All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

Từ Nỗi Lo Sợ Đến Thành Công: Hành Trình Chinh Phục Ngoại Ngữ Qua Đam Mê và Trải Nghiệm. Podcast

Last updated on Tháng Một 4, 2024

Vào 2livesimple.com, bạn sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện về cuộc sống đơn giản của mình ở châu Âu, nơi mình đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Dù sinh ra ở một quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính, nhưng lòng yêu thích đã thôi thúc mình tiếp cận không chỉ tiếng Anh mà nhiều ngôn ngữ khác nhau, như Anh, Pháp, Trung, Đức…

Paris 2018
Paris, France

Thông thạo và thông thái đi kèm – Mình đã nhận ra rằng, để thực sự thông thạo một ngôn ngữ, việc học thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng chỉ là phần nền. Bản chất thực sự nằm ở việc bạn thấm thía văn hóa, lịch sử và con người của một dân tộc. Điều này giúp bạn hiểu sâu hơn về ngữ cảnh sử dụng từ ngữ, những câu chuyện đằng sau mỗi thành ngữ và nguồn gốc của chúng.

Những buổi chiều thư giãn, mình thích nghe podcast bản tin thời sự hay các chủ để yêu thích về Ba Lan, xem các bộ phim điện ảnh tiêu biểu của Pháp hay thưởng thức ẩm thực, phim drama Trung Quốc. Tất cả những trải nghiệm này không chỉ giúp mình hòa mình vào không gian văn hóa, mà còn khiến việc học ngôn ngữ trở nên dễ dàng và thiết thực hơn.

Dĩ nhiên, học từ sách giáo trình rất quan trọng, nhưng nếu chỉ giới hạn trong khung sách, bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi và thiếu hứng thú. Mở rộng tầm nhìn, đắm chìm trong văn hóa và sống chân thực cùng ngôn ngữ là chìa khóa giúp bạn tiến xa hơn, yêu thích hơn và, quan trọng nhất, trở thành một người nói tiếng đó một cách tự nhiên và trôi chảy.

Học một ngôn ngữ không chỉ là việc ghi nhớ từ vựng và ngữ pháp, mà còn liên quan đến việc trải nghiệm và tương tác với văn hóa của ngôn ngữ đó. Trải qua hơn hai chục năm sống ở Ba Lan và làm việc cho một công ty của Mỹ, mình đã nhận ra rằng ngôn ngữ không chỉ là một công cụ giao tiếp, mà còn là một cầu nối giữa các nền văn hóa, giữa con người này với con người khác.

Quay lại những ngày đầu học đại học, mình còn nhớ rõ nỗi lo sợ và căng thẳng trước mỗi lần phải thuyết trình bằng tiếng Anh. Nhưng nhờ những trải nghiệm thực tế và dũng cảm đưa ra những quyết định táo bạo như đi Ấn Độ làm từ thiện, tham gia trao đổi sinh viên ở Pháp và Hàn Quốc, hay thực tập ở Thụy Điển, mình đã có cơ hội mở rộng tầm nhìn, hiểu biết thêm về thế giới và từ đó hoàn thiện khả năng giao tiếp của mình.

Tự tạo ra cơ hội cho bản thân và không ngừng đầu tư cho việc học là những yếu tố quan trọng giúp mình có được thành quả hiện nay. Bạn không cần phải sinh ra trong một gia đình giàu có, hay học ở những trường danh tiếng, mà quan trọng hơn là bạn có lòng đam mê, kiên nhẫn và sẵn sàng đối diện với mọi thách thức trên con đường học ngôn ngữ.

Tối giản và bí kíp học ngoại ngữ mà không tập trung quá nhiều vào thi cử và điểm số, sau đây là một vài lời khuyên chân thành cho các bạn nào muốn hứng thú theo đuổi ngôn ngữ, như một đam mê:

  1. Nghe nhiều hơn: Lắng nghe các bản tin, podcast, nhạc hay bất kỳ chương trình nào ở ngôn ngữ bạn muốn học. Ví dụ: BBC Learning English, Spotify, Google playlists& podcasts, mình cũng thích youtuber Khánh Vy tuổi trẻ mà tài cao, biết nhiều ngoại ngữ,  TED Talks

  2. Đọc sách/báo: Chọn những cuốn sách bạn yêu thích và đọc bằng ngôn ngữ bạn muốn học. Bắt đầu với sách thiếu nhi, sau đó dần dần chuyển sang sách cho người lớn. Hoặc bạn có thể đọc các tờ báo giải trí, tạp trí thời trang, phim ảnh nếu bạn không đặt nặng vấn đề vào học các từ ngữ chuyên sâu. Những blogger mà bạn yêu thích bằng tiếng Anh, tiếng mà bạn đang theo học. Hiện tại mình yêu thích các bài viết về cuộc sống đơn giản/ tối giản, thường theo dõi các trang như stylebee , The Minimalists ,Practising Simplicity. Tùy theo từng ngôn ngữ, mình sẽ luôn cập nhập các trang theo chủ đề mình yêu thích, bằng ngôn ngữ mình muốn nâng cấp 

  3. Viết hàng ngày: Cố gắng viết nhật ký hoặc ghi chú bằng ngôn ngữ mục tiêu. Viết từ 1 vài từ cho tới các trang nhật ký dài dòng, chỉ cần bạn viết bộ não sẽ ghi nhớ lâu hơn

  4. Giao tiếp thực tế: Gặp gỡ và trò chuyện với người bản xứ qua các ứng dụng như Tandem hoặc HelloTalk, các nhóm group riêng tư hoặc công khai  trên MXH

  5. Các sự kiện trực tuyến: Tham gia các sự kiện, hội thảo trực tuyến hoặc các lớp học miễn phí trên platforms như Coursera, Udemy.

  6. Nhóm học tập: Tham gia hoặc tổ chức các nhóm học tập cùng những người có cùng mục tiêu.

  7. Trò chơi: Có nhiều trò chơi giáo dục giúp bạn học từ vựng và ngữ pháp như Babbel, Memrise.

  8. Tự thử thách: Đặt cho mình các thách thức như “một ngày chỉ nói tiếng Anh” hoặc “một tuần không xem phim có phụ đề” ,nói chuyện với một người nước ngoài bắt chuyện với một đề tài bạn am hiểu, hoặc dẫn dắt những câu hội thoại đơn giản nhất

  9. Tham gia cộng đồng trực tuyến: Reddit, Quora, hoặc các diễn đàn chuyên về ngôn ngữ. 

  10. Học qua ứng dụng: Các ứng dụng như Rosetta Stone, Anki, hoặc Busuu giúp bạn học mỗi ngày.

  11. Khám phá văn hóa: Đọc sách, xem phim, nghe nhạc để hiểu rõ hơn về văn hóa của ngôn ngữ mục tiêu. Tham gia các hội chợ, triền lãm, buổi hội nhạc giới thiệu văn hóa đất nước mà bạn đang học ngôn ngữ 

  12. Du lịch: Dù chỉ là một chuyến du lịch ngắn, việc trải nghiệm ngôn ngữ trong môi trường thực tế sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh chóng. Nếu bạn có điều kiện nên để danh tiền để tham gia khóa học tại nước ngoài.

India travel new delhi
New Delhi 2011 – AIESEC
Iceland, cùng nhóm bạn ở công ty
Poland, Tatry

Nhớ rằng, quá trình học ngoại ngữ là một hành trình dài hơi. Điều quan trọng là bạn phải thực sự yêu thích và cam kết với quá trình này.

 Ở Việt Nam giới trẻ dạo gần đây có đặt nặng vấn đề học tiếng Anh lấy thành tích, theo quan điểm của riêng mình quá trình học ngoại ngữ không nên chỉ được đánh giá qua một kết quả thi cụ thể như IELTS. Dưới đây là một số lý do và giải pháp:

  1. Phản ánh không đầy đủ: Điểm IELTS chỉ phản ánh một phần kỹ năng ngôn ngữ của bạn tại một thời điểm cụ thể. Khả năng thực sự giao tiếp có thể khác biệt.

  2. Áp đặt áp lực không cần thiết: Quá trình học ngôn ngữ phải vui vẻ và mang tính khám phá. Khi đặt quá nhiều áp lực vào điểm số, bạn có thể mất đi niềm vui và hứng thú.

  3. Thực hành thực tế: Nên chú trọng vào việc sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống thực tế như giao tiếp hàng ngày, xem phim, nghe nhạc, và đọc sách.

  4. Mục tiêu rộng lớn: Đặt ra mục tiêu học ngoại ngữ rộng lớn hơn, như hiểu biết văn hóa, kết bạn quốc tế, hoặc du lịch, chứ không chỉ là đạt một điểm số cụ thể.

  5. Đánh giá toàn diện: Tự đánh giá kỹ năng của mình qua nhiều phương diện, từ việc nghe hiểu, phản xạ trong giao tiếp đến khả năng viết.

  6. Tự tin và thích nghi: Hãy tin tưởng vào khả năng của mình, thích nghi và tiếp tục học hỏi từ mỗi kinh nghiệm giao tiếp.

Mặc dù các kỳ thi như IELTS có thể là một tiêu chuẩn quốc tế, nhưng học ngoại ngữ là một hành trình cá nhân và không nên chỉ bị hạn chế bởi một số điểm trên giấy tờ.

Với những người đang học hoặc muốn học một ngôn ngữ mới, mình muốn nói rằng: Đừng sợ hãi trước khó khăn, đừng từ bỏ trước những thất bại. Hãy tự tin và kiên định với mục tiêu của mình. Và quan trọng nhất, hãy biến quá trình học ngôn ngữ thành một phần cuộc sống, một niềm đam mê, chứ không chỉ là một bài học cần phải thuộc lòng.

 

Hãy sống đơn giản,

Natalia Huyền Nguyễn

Please follow and like

One Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024