All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

38 Món Quà Con Bạn Sẽ Không Bao Giờ Quên. Podcast&Video

Last updated on April 8, 2024

38 Món Quà Ý Nghĩa Con Bạn Sẽ Trân Trọng 

Tuổi thơ của mình gắn liền với những món đồ chơi đơn sơ, mộc mạc. Không có tiếng nhạc inh ỏi, không có màu sắc lòe loẹt, những món đồ chơi ấy được làm thủ công một cách tỉ mỉ, chứa đựng cả tâm hồn của người tạo ra nó.

Chiếc đèn ông sao lung linh mỗi mùa Trung Thu, những con diều no gió tung bay trên bầu trời cao rộng, hay đơn giản là những chiếc lá, cành cây khô cũng trở thành món đồ chơi đầy thú vị trong tay trẻ thơ. Trẻ con rong ruổi khắp xóm làng, chơi trò trốn tìm, chơi ô ăn quan, cùng nhau chia sẻ những món quà vặt giản dị. Niềm vui tuổi thơ ấy đơn giản nhưng lại vô cùng đong đầy.

Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, đồ chơi trẻ em ngày nay trở nên hiện đại và đa dạng hơn bao giờ hết. Từ những món đồ chơi điện tử thông minh, những bộ đồ chơi mô phỏng các ngành nghề cho đến những nhân vật hoạt hình được thiết kế sống động, tất cả đều đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Tuy nhiên, điều mà trẻ em thời nay thiếu đi lại chính là thời gian của cha mẹ.

Sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều bậc cha mẹ thường cảm thấy mệt mỏi và dành ít thời gian cho con cái. Thay vì cùng con chơi đùa, trải nghiệm những hoạt động vui chơi bổ ích, cha mẹ lại chọn cách đưa cho con một chiếc iPad hay điện thoại để con tự chơi. Vô tình, cha mẹ đã tạo ra một rào cản vô hình giữa mình và con, khiến cho mối quan hệ trở nên xa cách.

Quà tặng ý nghĩa nhất dành cho con trẻ không phải là những món đồ chơi đắt tiền, mà chính là thời gian và sự quan tâm của cha mẹ. Hãy dành thời gian chơi cùng con, trò chuyện với con, cùng con khám phá thế giới xung quanh. Đó là món quà vô giá mà con sẽ trân trọng suốt cuộc đời.

mẹ và con ở trang trại

Sau đây sẽ là 38 món quà nhiều ý nghĩa dành tặng con, để chúng luôn trân trọng.

 Món quà nào sẽ thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của con và thay đổi con mãi mãi?

  1. Lời khẳng định. Đôi khi một lời động viên đơn giản có thể thay đổi cả cuộc đời. Hãy chắc chắn rằng con biết mình luôn trân trọng chúng. Và hãy thường xuyên nhắc nhở con về điều đó.
  2. Nghệ thuật. Giờ đây, nhờ có Internet, bất cứ ai muốn sáng tạo nghệ thuật đều có thể làm được. Thế giới cần nhiều người hơn dám ước mơ và thực hiện nó…Hay những triển lãm tranh đa giác quan của Van Gogh, bảo tàng với những hoạt động tương tác thông minh về khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, khảo cổ học…
  3. Thử thách. Khuyến khích con mơ ước thật lớn. Khi đó, con sẽ đạt được nhiều hơn những gì con nghĩ là có thể làm được… và có lẽ hơn cả những gì mình mong đợi.
  4. Lòng trắc ẩn/Công lý. Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng. Không bao giờ công bằng cả – đời luôn có những điều mình chẳng thể ngờ được. Nhưng khi xảy ra những chuyện không hay, khi có sự bất công, mình muốn con mình là người chủ động đứng ra giúp đỡ. Không dạy con phải an phận và biết nghe lời, mà phải dũng cảm giúp đỡ người khác cũng như biết bảo vệ chính mình khi cần thiết tìm kiếm sự hỗ trợ. 
  5. Sự hài lòng. Cái cảm giác muốn có thêm nhiều thứ thường lan truyền rất nhanh. Chấp nhận điều đơn giản rằng “ít hơn là nhiều hơn” là cách tốt để mình kháng cự lại lối sống này. Vì vậy, một trong những món quà tuyệt vời nhất mình có thể dành cho con là biết cách hài lòng với những gì chúng có, chúng là ai và chúng có thể trở thành ai.
  6. Tính Tò mò. Dạy con biết cách đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Lời nói kiểu “Con sao hỏi nhiều vậy?” là điều mình sẽ cố gắng không nói với con, cho dù mình cũng thường hay sao nhãng, tỏ ra mệt mỏi khi con hỏi liên tục. 
  7. Sự quyết tâm. Một trong những yếu tố quyết định thành công nhất của một người là ý chí của họ. Làm thế nào mình có thể giúp nuôi dưỡng ý chí của con mình bắt đầu từ hôm nay? Hãy cho con thấy mình làm việc gì cũng cố gắng và không nản lòng. 
  8. Kỷ luật. Trẻ em cần học mọi thứ từ cơ bản, bao gồm hành vi phù hợp, cách hòa đồng với người khác và cách đạt được ước mơ của chúng. Dạy dỗ con cái không phải là điều mình muốn né tránh hay từ chối. Thay vào đó, kỷ luật với con nên nhất quán và mang tính tích cực. Có thể nhiều lúc mình muốn buông xuôi, nhưng trong những lúc như vậy mình cũng phải nhìn lại bản thân và kỷ luật chính mình trước – chẳng hạn mình nói con không nên ăn kẹo nhiều, bản thân lại đi mua một túi kẹo về và ngồi ăn ngon lành, hãy làm tấm gương cho con. 
  9. Lời động viên. Lời nói rất mạnh mẽ, chúng có thể xây dựng hoặc phá hủy. Những lời đơn giản mà mình chọn để nói hôm nay có thể mang đến sự động viên và suy nghĩ tích cực cho con. Hoặc lời nói của mình có thể khiến chúng cảm thấy tồi tệ hơn. Nên chọn lời nói một cách cẩn trọng nhé! Mình hay động viên con cố gắng mỗi sáng trước khi vào lớp mẫu giáo vì có những hôm con tranh cãi với bạn bè và không muốn vào lớp, hoặc trước khi đi ngủ mình cũng hỏi han con về ngày hôm đó, mình gọi đó là 5 phút tâm sự của riêng hai mẹ con. 
  10.  Lòng Trung Thành với Người Bạn Đời. Lòng trung thành trong hôn nhân không chỉ dừng lại ở thể xác. Nó còn bao gồm cả đôi mắt, tâm trí, trái tim và linh hồn của chúng ta. Hãy bảo vệ đời sống hôn nhân hay mối quan hệ tình cảm thật bền chắc, không nhập nhằng trong các mối quan hệ cả kể với người trong gia đình hay bạn bè, không nhất thiết là người yêu, chồng/ vợ. Con bạn chắc chắn sẽ nhận ra điều đó.
  11.  Tìm Kiếm Vẻ Đẹp. Giúp con bạn tìm thấy vẻ đẹp trong mọi thứ chúng thấy… và trong tất cả những người chúng gặp.
  12.  Sự Hào Phóng. Hãy dạy con bạn rộng lượng với đồ dùng của bạn để chúng trở nên hào phóng với đồ dùng của mình. Cũng nên hạn chế nhắc nhở con phải chia sẻ mọi thứ mọi lúc mọi nơi kiểu ai xin gì cũng cho, không phải cái gì chúng ta cũng chia sẻ với người khác được, nên đặt ra ranh giới nhất định. 
  13. Trung Thực/Liêm Chính. Những đứa trẻ học được giá trị và tầm quan trọng của sự trung thực từ khi còn nhỏ có cơ hội lớn hơn để trở thành người lớn trung thực. Và những người trưởng thành trung thực, đối xử chân thành với người khác có xu hướng cảm thấy tốt hơn về bản thân, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn và có giấc ngủ ngon hơn hơn vào ban đêm. Làm điều tốt ắt vũ trụ sẽ mang lại điều tốt cho con bạn. 
  14. Hy Vọng. Hy vọng là biết và tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp và cải thiện. Nó tạo ra sức mạnh, sức chịu đựng và quyết tâm. Và trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, nó thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước. Dù có chuyện xấu gì xảy ra ta cũng không nên mất niềm tin hay hy vọng, cuộc sống còn nhiều thử thách, con bạn có thể học điều đó từ khi còn tấm bé. 
  15. Ôm Hôn và Nụ Hôn, Âu Yếm Lời Yêu Thương. Có thể trong văn hoá Á Đông bố mẹ sẽ ít dành những cử chỉ yêu thương con cái bằng lời nói hay sự âu yếm, chủ yếu cách quan tâm là bằng hành động như nấu những bữa cơm ngon, chăm sóc con, mua đồ mới cho con, giúp con một việc gì đó nhưng không nói thẳng. Mình rút kinh nghiệm từ bố mẹ là những phụ huynh thuần Việt, họ yêu thương theo cách cho roi cho vọt, hành động nhiều hơn là nói. Mỗi văn hoá một khác, do đó khi được tiếp xúc giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, mình đã cố gắng kết hợp tức là vừa âu yếm bày tỏ cảm xúc ôm hôn con, nói lời yêu thương mỗi ngày ( mình nghĩ sẽ cố làm việc đó đến khi con lớn trưởng thành) vừa giúp đỡ động viên con khi cần, dạy con những gì mình biết như nấu ăn, ngoại ngữ, thể thao….Mình cũng nói với con rất nhiều lần rằng, cho dù con làm sai điều gì con cũng là con của mẹ. Tất nhiên làm việc sai trái sẽ phải gánh chịu hậu quả và có thể bị phạt, nhưng không có nghĩa là mẹ hắt hủi hay ghét bỏ con. 
  16. Trí Tưởng Tượng. Nếu chúng ta học được điều gì trong 20 năm qua, đó là cuộc sống đang thay đổi vội vã và nhanh hơn mỗi ngày. Thế giới ngày mai không giống với thế giới ngày hôm nay. Và những người có trí tưởng tượng không chỉ sống trong đó, họ đang tạo ra nó. Be creative – như chơi những trò chơi, tham gia các nhóm dành cho trẻ giúp sáng tạo – vẽ tranh, làm những đồ thủ công, DIY những món đồ chơi tự làm. Và đọc sách là cách tốt nhất để giúp con bước vào một thế giới hoàn toàn khác, kích thích trí tưởng tượng phong phú của con. 
  17.  Chuyên Tâm. Mình tin tưởng mạnh mẽ vào cuộc sống có chủ đích và nuôi dạy con cái có chủ đích. Hãy chậm lại, suy nghĩ về bạn là ai, bạn đang đi đâu và làm thế nào để đến đó. Và hãy làm điều tương tự cho mỗi đứa con của bạn.
  18. Chính con người & câu chuyện của Bạn. Câu chuyện hoặc cuộc trò chuyện. Kể cho con những câu chuyện và kinh nghiệm sống của bạn. Có thể là một tuổi thơ, những thất bại hay thành công, những chia sẻ này giúp con và bạn có tình cảm hàn gắn hơn.
  19. Học Tập Suốt Đời. Niềm đam mê học hỏi khác với việc học chỉ để đạt điểm cao hoặc làm hài lòng giáo viên. Nó bắt đầu từ trong nhà. Vì vậy, hãy đọc, đặt câu hỏi, phân tích và chia sẻ. Nói cách khác, hãy học cách yêu thích việc học tập và đọc sách để nâng cao kiến thức. Có những cuốn sách của thiếu nhi mình thấy sau khi đọc xong cho con, mình còn biết thêm những điều mới và chắp vá lại những lỗ hổng kiến thức của mình từ thời thơ ấu. 
  20. Tình Yêu. … điều vĩ đại nhất trong đời đó là tình yêu. Tình yêu có thể là với cha mẹ, ông bà, quý trọng người thân trong gia đình, yêu động vật, yêu thiên nhiên….
  21. Bữa Ăn Cùng Nhau. Bữa ăn mang đến cơ hội vô song cho các mối quan hệ, điều mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Sau những giờ làm mệt mỏi hay những buổi học khiến tinh thần kiệt quệ, bữa ăn chính là nơi cả gia đình cùng ngồi xuống và thưởng thức hoặc hỏi thăm nhau. Bỏ bữa hay ăn ở ngoài nhanh vội  sẽ khiến cho tình cảm gia đình rạn nứt. 
  22. Trách Nhiệm. Trẻ em học cách trân trọng thế giới xung quanh sẽ chăm sóc và để ý thế giới xung quanh nhiều hơn. Là cha mẹ, mình thường xuyên yêu cầu con mình giữ cho căn phòng của con trong nhà gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp. Giúp đỡ những việc nằm trong phạm vi khả năng của con như phụ nấu những món đơn giản, dọn dẹp nhà, phơi quần áo….Một căn nhà sạch sẽ ngăn nắp sẽ giúp chúng ta thư giãn tâm trí hơn.  Cũng nên giúp con hiểu về cách bảo vệ môi trường như: không xả rác bừa bãi, thanh lọc rác, khí thải CO2 có ảnh hưởng thế nào đến khí hậu hay chất lượng cuộc sống….
  23. Cơ Hội. Trẻ em cần cơ hội để trải nghiệm những điều mới để chúng có thể tìm ra những gì chúng thích và những gì chúng giỏi. Và trái ngược với suy nghĩ phổ biến, điều này không nhất thiết phải tốn nhiều tiền. Có thể là tham gia các hoạt động tại địa phương hoặc trong khi đi du lịch mình cho con tham gia các buổi triển lãm, trò chơi, kết nối với nhiều người để con trở nên mạnh dạn và cởi mở hơn. 
  24. Lạc Quan. Người bi quan không thay đổi thế giới. Người lạc quan làm được. Không phải dạy con cách lạc quan quá thái dẫn đến những hậu quả không lường, lạc quan tích cực cũng cần sự cân bằng. Dạy con biết lường trước những rủi ro & khó khăn khi gặp phải đối mặt ra sao. Chẳng hạn mình có con nhỏ, bé thường chơi với bạn những trò khá nguy hiểm, nhảy cao…mình không cấm hay quát tháo suốt được, chỉ dặn con rằng, làm gì chơi gì cũng nên chú ý để không bị trọng thương, chẳng hạn như nhảy gãy răng thì sẽ phải ăn cháo trong mấy tháng trời. 
  25. Bình Yên. Sự bình yên có thể là một ngày đi dạo trong rừng, cùng nấu những món ăn con yêu thích hay đến nơi con muốn đến. Biết trân trọng những điều giản dị trong một thế giới xô bồ, chuyển động nhanh. 
  26. Niềm Tự Hào. Hãy tôn vinh những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Cuối cùng, những thành tựu nhỏ trong cuộc sống chính là những thành tựu lớn. Hãy nói con là niềm tự hào của cha mẹ. Mình còn hay nói với con mình rằng, nên tự hào con là người Việt Nam, và cũng có dòng máu người Ba Lan. Hãy tự hào về gốc gác, văn hoá hay ngôn ngữ của chính mình. 
  27. Không Gian Để Phạm Sai Lầm. Trẻ em là trẻ em. Hãy cho chúng không gian để thử nghiệm, khám phá và mắc sai lầm. Không vấp ngã và tự nếm trải khi bị thương, sẽ không trưởng thành được, ai trong chúng ta cũng từng trải qua. 
  28. Lòng Tự Trọng. Những người học cách trân trọng bản thân có nhiều khả năng có sự tự tin, lòng tự trọng và hiểu rõ giá trị bản thân. Do đó, chúng có nhiều khả năng trở thành những người trưởng thành tôn trọng giá trị của bản thân và tuân thủ chúng… ngay cả khi không có ai khác làm điều đó.
  29. Óc Hài Hước. Cười cùng con bạn mỗi ngày… vì lợi ích của bạn và con bạn. Kể những câu chuyện vui hay một vài câu bông đùa để giải toả tâm trí. Không nên cứng nhắc trong việc nuôi dạy con :). 
  30.  Giá trị cốt lõi.  Cuộc sống không chỉ dựa vào những món đồ đắt tiền hay vật chất, mà luôn phải tìm được những niềm vui tinh thần trong cuộc sống. Vật chất không quyết định tất cả. Dạy con rằng tiền bạc cũng quan trọng, nhưng không nên vì nó mà đánh đổi mọi thứ. 
  31. Ổn Định. Một ngôi nhà ổn định trở thành nền tảng cho con cái xây dựng phần còn lại của cuộc đời. Chúng cần biết vị trí của mình trong gia đình, ai là người chúng có thể tin tưởng và ai sẽ ở bên cạnh chúng. Đừng thay đổi những điều đó liên tục.
  32. Thời Gian. Món quà thời gian là món quà duy nhất bạn không bao giờ có thể lấy lại. Vì vậy, hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi làm một điều gì đó, không lãng phí thời gian vào việc vô bổ. Tất nhiên cũng cần có những ngày ta ngồi bên cửa sổ ngắm bầu trời , ngắm khung cảnh. 
  33.  Sự Chú Ý Tuyệt Đối. Làm việc gì cũng nên chuyên tâm và chú ý, cả kể khi nói chuyện với ai đó. Con mình cũng hay bị xao nhãng bởi những bộ phim hay đồ chơi. Lúc đó thì mình thường nói rằng tắt TV và ngừng chơi vài phút để nói chuyện với mẹ. 
  34. Độc Đáo. Điều khiến chúng ta khác biệt là điều khiến chúng ta trở nên đặc biệt. Sự khác biệt sẽ tạo ra con người chúng ta. Chúng ta không phải là bản sao của bất kỳ ai cả. Tập trung vào điểm mạnh và khắc phục điểm yếu mỗi ngày – có bài viết của mình về “Hiểu Rõ Tính Cách” ; “ Lợi Thế Bất Công” – có thể đọc và tìm hiểu thêm.
  35. Khả năng tha thứ. Dạy con bạn tầm quan trọng của việc tha thứ cho bản thân và người khác. Giúp chúng hiểu rằng tha thứ không phải là quên đi những gì đã xảy ra, mà là buông bỏ sự tức giận và oán hận.
  36. Kỹ năng giải quyết vấn đề. Trẻ em cần học cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Dạy chúng cách xác định vấn đề, đưa ra giải pháp và đưa ra quyết định, bạn có thể hỗ trợ nhưng dần dà chúng mới là người quyết định. 
  37. Lòng biết ơn. Giúp con bạn học cách biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khuyến khích chúng thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ chúng và những điều chúng may mắn có được. Mình luôn nói cảm ơn khi con giúp mình một điều gì đó, cho dù đó là việc nhỏ nhặt. 
  38. Một Ngôi Nhà Thân Thiện. Tạo ra một không gian sống, một nơi mà con bạn sau này vẫn muốn quay lại cho dù đã trưởng thành. Những bữa cơm ngon, những kỷ niệm đẹp…

 

Kết Luận:

Món quà ý nghĩa nhất bạn có thể dành cho con mình là sự quan tâm, tình yêu thương và sự hỗ trợ. Hãy dành thời gian cho con bạn, lắng nghe con bạn và giúp con bạn phát triển thành những người trưởng thành tốt.

Please follow and like
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024