All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

Hạnh phúc là trải nghiệm du lịch hay mua sắm vật chất? Khám phá Albania – phần 2. Podcast

Last updated on August 2, 2021

phần 1 mình đã mở đầu bài viết bằng câu hỏi đặt ra cho những độc giả 2livesimple đó là: “Trải nghiệm du lịch mang lại nhiều hạnh phúc hơn so với đời sống vật chất?”  Trước khi cả nhà mình, tức gồm có mình, con trai và anh bạn thân bắt đầu chuyến đi du lịch, chúng mình đã đắn đo suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra quyết định. Trong khi mùa dịch Covid-19 vẫn là rào cản lớn nhất đối với dân du lịch, nhiều nước châu Âu ra lệnh rất khắt khe cho việc đi lại giữa các quốc gia có số ca bệnh nằm trong vùng báo động. Đối với một vài nước như Mexico, Dominican, Costa Rica hay Albania đều có chính sách mở cửa cho khách du lịch, khi đặt chân xuống đất nước họ không cần phải thử test hay bị gửi đi cách ly từ 10-14 ngày. Vâng, đó là một lợi thế, vì dù sao trong thời đại kinh tế mất ổn định như bây giờ, đây có lẽ là một trong những cách duy trì công ăn việc làm cho đại đa số dân. Đây là một trong những cách hỗ trợ nền kinh tế nước nhà. Chính vì lý do đó gia đình mình đã lên kế hoạch cho chuyến đi Albania ( đây là thông tin vào cuối tháng năm đầu tháng 6.2021)

Có thể bạn cảm thấy tụi mình là những kẻ vô trách nhiệm, ai lại dắt tay nhau hưởng thụ vào lúc nước sôi lửa bỏng như bây giờ. Thực ra mà nói cứ ngồi nhà và làm việc tại nhà ( được gần một năm nay ) rồi đợi đến khi dich tan biến, có lẽ là một điều không thể xảy ra một sớm một chiều như thời điểm hiện nay. Hiện tại số ca nhiễm ở Ba Lan là rất cao, luôn đứng đầu bảng. Chán thay, đây không phải con số để hãnh diện. Tính tới ngày hôm nay, 23.06 số lượng người được tiêm chủng lên tới trên 27.5 triệu với ít nhất một liều thuốc và 11.9 triệu  ( 31.4% dân số) đã tiêm chủng hai mũi đầy đủ. Ba Lan cũng là một trong 7 nước đầu tiên chấp thuận dùng hộ chiếu Covid tương tự như Denmark, Bulgaria, Na Uy, Đức, Hy Lạp và Nam Tư. Đây là một sự khởi đầu tốt đẹp và là một giải pháp thông minh  giữa các nước châu Âu khi đưa ra cách này, nhằm cổ động người dân tiêm vacxin đầy đủ, chứng minh rõ ràng tình trạng sức khỏe qua giấy chứng nhận dựa trên ứng dụng quét mã QR. Để nhắc lại, vì sự an toàn của tất cả mọi người, cách giải quyết lâu dài đó chính là tuân thủ theo bộ Y Tế tiêm chủng đầy đủ hai mũi. Nếu có đi ra ngoài hay đi du lịch bất cứ đâu đều nên giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, rửa tay sạch sẽ và tất nhiên tránh xa những nơi đông đúc người. 

Kết luận cho quyết định du lịch như đã nhắc phần bên trên, gia đình chúng mình đã chọn Albania. Qua phần 1 giới thiệu đất nước 2.8 triệu dân này cùng vài hình ảnh để biết rõ hơn về con người cũng như lối sống hay văn hóa của họ. Du lịch luôn là sự lựa chọn hàng đầu với mình, bởi theo mình nghĩ, trải nghiệm văn hóa, làm quen với lối sống, phong tục tập quán hay ngôn ngữ cũng như lịch sử của một đất nước luôn thú vị hơn so với việc mua một món đồ.

Chúng ta có thể luôn mang theo ký ức bên mình, còn đồ vật khi chuyển nhà hay theo thời gian cũng sẽ khiến cho ta nhàm chán, muốn thay thế nó với một đồ dùng mới mẻ và tốt hơn. Mãi mãi không bao giờ là đủ!

bơi giữa đại dương xanh Albania

 

Du lịch Châu Âu ngày nay đang dần trở thành một xu hướng được nhiều người Việt Nam lựa chọn cho những kì nghỉ dài ngày của mình, tất nhiên trừ thời điểm Covid khó khăn như hiện tại. Nói đến du lịch Châu Âu thì nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những quốc gia nổi tiếng toàn thế giới như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha…

Tuy nhiên đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ đi du lịch Albania chưa? Riêng mình, rất hiếm khi nghe thấy cho dù đã sống ở Châu Âu tầm 20 chục năm nay rồi? Đây là một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Bắc-Nam, Châu Âu. Mặc dù là  một trong những quốc gia kém phát triển nhất Châu Âu, nhưng Albania lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều những danh lam thắng cảnh sông núi, biển tuyệt đẹp, thơ mộng và hữu tình. Cùng với một lịch sử lâu đời, Albania cũng có nhiều công trình kiến trúc cổ kính và độc đáo pha trộn giữa nhiều phong cách còn đọng lại sau chiến tranh hay bị đàn áp bởi một đế chế.  Albania đang dần trở thành địa điểm lui đến thường xuyên của khách du lịch do tiền chi phí đi lại hay ăn uống vẫn còn khá thấp so với các nước Bắc Âu, Tây Âu và có khi cả một vài nước Đông Âu. Thực ra mà nói cũng tùy theo lựa chọn và túi tiền của bạn. 

Thủ đô của Albania là Tirana, được thành lập năm 1614, thành phố lớn nhất của nước Cộng hòa Albania. Tirana nổi tiếng với những tòa nhà đầy màu sắc là công sức của cựu Thị trưởng Tirana và bây giờ là Thủ tướng Albania, Edi Rama. Rama tin rằng màu sắc sẽ khôi phục lại diện mạo của thành phố mà còn làm cho dân tự hào hơn về thành phố của họ, bằng cách  khuyến khích họ quan tâm đến thành phố mà họ đang sống. 

Các tòa nhà đầy màu sắc là phong cách kiến trúc khá tàn bạo tại thành phố này. Với sự pha trộn giữa kiến trúc thời Xô Viết và Ottoman, thành phố có ảnh hưởng kiến trúc rõ ràng từ hai chế độ toàn trị mà nó đã từng tuân theo: dưới thời Mussolini trong Thế chiến thứ hai, sau đó là chế độ cộng sản Enver Hoxha cho đến những năm 1990.



Nằm ở trung tâm Albania, thị trấn Berat là chứng cứ cho sự tồn tại chung của một cộng đồng tôn giáo và văn hóa trong suốt nhiều thế kỷ. Thị trấn Berat là một trong những thị trấn lâu đời nhất ở Albania. Berat là thành phố bảo tàng, được mệnh danh là thành phố ngàn cửa sổ, do những ngôi nhà màu trắng đặc trưng với cửa sổ màu nâu sẫm bằng gỗ nằm trên sườn đồi. Được thành lập từ lâu đời và là nơi sinh sống của người Illyrian, một thành phố vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đã bị chinh phục bởi người La Mã và đặt tên là Antipatrea. Trong thời kỳ cai trị của người Byzantine, thành phố được gọi là Pulcheriopolis và là nơi ngự trị của một giám mục. Vào thế kỷ thứ 9, nó bị chinh phục bởi quân đội Bulgaria, sau đó tên của thành phố được đổi thành Belgrade (‘Thành phố Trắng’), từ đó tên hiện đại được tạo ra thông qua những thay đổi phiên âm sau đó.

Ở Berat, đáng để ngắm nhìn những tàn tích của lâu đài với Bảo tàng Biểu tượng Onuphrius, Cầu Gorica cũ, ngọn đồi với hàng nghìn cửa sổ “Manga Lem” và đi bộ dọc theo lối đi dạo mới trên sông Osum.

Albania Berat

Như mình đã viết ra ở phần 1, Albanian Riviera là một điểm đến du lịch tuyệt vời, nơi có những bãi biển tuyệt đẹp, thị trấn ven biển, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và hơn thế nữa! Nằm ở phía nam Albania, riviera trải dài từ Dhermi đến Sarande và là nơi có một số bãi biển đẹp nhất ở châu Âu. Các bãi biển ở Albanian Riviera trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là vì ít đông đúc khách du lịch hơn đáng kể so với các điểm nóng khác ở châu Âu. Gia đình mình đã thuê xe và dành 2-3 ngày để khám phá một số địa điểm tuyệt vời, tham quan dọc theo bờ biển, bao gồm Sarande, Orikum, Dhermi… và tất nhiên là nhiều bãi biển đẹp khác nữa. Rất tiếc gia đình chúng mình có quá ít thời gian để khám phá tất cả các địa điểm đẹp, cộng thêm con nhỏ nên có thể nói là rất nhọc. Mà cũng có thể tùy theo tính cách của con bạn, chứ con mình không thể ngồi im được 5-10 phút trong xe, trừ khi bạn đưa cho bé xem phim hoạt hình trên điện thoại suốt cả ngày, nhưng điều đó có lẽ phi lý, chẳng ông bố bà mẹ nào muốn con nghiện điện thoại hay bất cứ đồ điện tử nào cả. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết trước đây về hành trình chuẩn bị đi biển cùng con nhỏ tại đây và đây hoặc bài viết “Có thể du lịch an toàn mùa Covid?”

Đồ ăn Albania là sự pha trộn hảo hạng giữa ẩm thực Địa Trung Hải và vùng Balkan. Các sản phẩm phong phú và nhiều màu sắc, từ thịt xiên nướng cho đến hải sản tươi.  Với những món ăn đặc trưng của vùng nông thôn, miền núi và bờ biển, có rất nhiều hương vị đặc biệt để thử ở Albania. Hãy sẵn sàng để thưởng thức hương vị và kết cấu thần thánh khi chúng ta khám phá các loại thực phẩm truyền thống của Albania. Mình tin rằng ở  những nơi có nền lịch sử lâu đời dưới sự cai trị của nhiều đất nước, văn hóa, phong tục hay mùi vị của thức ăn là sự giao kết giữa các nước, tạo nên một ẩm thực độc đáo ngon lạ. Việt Nam cũng là một ví dụ điển hình, ẩm thực của chúng ta nổi tiếng thế giới. 

Ngoài những địa điểm đẹp mê hồn thu hút khách du lịch thì thực sự mà nói Albania là một nước kém phát triển với tỷ lệ thất nghiệp lên đến khoảng 12-13 %, đó là một con số lớn so với nhiều nước châu Âu khác. Ở Ba Lan tỷ lệ người không có việc làm ước tình chừng 3%. Tại Albania, lương tối thiểu chỉ rơi vào tầm < 300 USD, có lẽ tiền trợ cấp xã hội tại Pháp hay Đức hoặc Anh còn cao hơn so với mức lương tối thiểu của dân tại đây. Rất nhiều người Albania cũng mong có hy vọng ra nước ngoài kiếm tiền thay đổi cuộc đời từ sau vụ xung đột bùng nổ cuối thập niên 90. 

Xung đột Kosovo, (1998–99) trong đó người dân Albania phản đối người dân tộc Serb và chính phủ Nam Tư (nền móng của các nước liên bang cũ, bao gồm cộng hòa Serbia và Montenegro) ở Kosovo. Cuộc xung đột đã nhận được sự chú ý rộng rãi toàn cầu và được giải quyết với sự can thiệp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Người tị nạn Albania vội vã chạy khỏi Kosovo sang các nước láng giềng để lánh nạn. Sau nhiều giải pháp ngoại giao thất bại, NATO tiến hành can thiệp quân sự vào Kosovo và gọi đây là “cuộc chiến nhân đạo”. 

Các đợt không kích của NATO gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng cho các thành phố lớn của Nam Tư cũ và khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng. Mục tiêu của NATO là buộc quân đội Serbia rút quân, tạo ra một thỏa thuận có lợi cho người Albania. Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của NATO mà không có sự phê duyệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đối với người Albania từng phải chạy trốn khỏi Kosovo khi cuộc xung đột bùng phát, việc quân đội Serbia đầu hàng là một tin mừng. Sự kiện này đã mở đường cho họ trở lại Kosovo, chấm dứt những ngày tháng tị nạn nơi đất khách quê người. 

Nền kinh tế Albania chủ yếu thuộc sở hữu Nhà n­ước và phải dựa vào nông nghiệp, vào xuất khẩu crôm và quặng sắt. Năm 1990, đất nước này mở cửa kinh tế với n­ước ngoài, chuyển dần sang kinh tế thị trường. Tuy vậy, Albania vẫn ở trong tình trạng thiếu thốn, chậm phát triển, cơ sở hạ tầng vô cùng yếu kém. Khủng hoảng vẫn diễn ra triền miên.

Để kết luận: Albania vẫn là một đất nước đáng thăm quan. Đối với bản thân mình mà nói, du lịch không chỉ bao gồm ngắm cảnh, hưởng thụ món ăn đặc sắc mà nên quan tâm đôi chút về lịch sự, nền kinh tế hay lối sống thực tế diễn ra trên đất nước bạn đặt chân đến. Có như vậy mình mới cảm thấy chuyến đi mang nhiều ý nghĩ thiết thực, sâu xa hơn là những bức ảnh lung linh trên mạng xã hội.

Còn bạn, bạn thích chọn kiểu du lịch như thế nào? 

buildings in Albania Sarande

Nguồn:

  1. https://countryeconomy.com/countries/compare/albania/poland
  2. https://www.msf.org/albania-starts-rebuild-after-kosovar-crisis
  3. https://www.moonhoneytravel.com/europe/albania/

All pictures belong to @2livesimple. Tất cả ảnh chụp thuộc bản quyền của @2livesimple. 

Please follow and like
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024