All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

4 cách để nói lời chia tay với những Tin Tức Nóng Hổi – Breaking News

Mỗi lần mở Facebook hay lang thang trên mạng bạn có thể lướt qua hàng ngàn các loạt tin tức nóng hổi Breaking News- từ cháy rừng, cướp bóc cho đến những vụ án khét tiếng hoặc cuộc tranh cử tổng thống gần đây nhất. 

Tin nào cũng sốt dẻo đáng xem. Tin nào cũng được cập nhập sau 5 phút từ BBC, CNN cho đến VTV và ty tỷ các loại đài truyền hình, trang tin tức tranh đua nhau đăng tin mới nhất. Tin mình đi, bạn có thể bỏ hàng giờ đồng hồ đắm chìm trong vụ khủng hoảng tài chính, cuộc tranh luận giữa các nhà chính trị gia, cũng có thể đơn thuần tin tức giải trí báo lá cải, mà đọc xong vài phút bạn có thể quên sạch luôn. 

Để đơn giản hóa cuộc sống, bạn có thể học cách tối giản đi tâm trí. Hãy để những suy nghĩ của bạn có một khoảng trống riêng. Nếu bạn nhồi nhét bộ não làm việc cật lực để ghi nhớ từng loại tin tức một, sẽ đến lúc nó bùng nổ.

Cập nhập tin tức hàng ngày để hiểu rõ môi trường sống và những diễn biến đang xảy ra trên thế giới không phải là một điều sai trái. Để hiểu rõ hơn mình lấy ví dụ, khi bạn chọn các món ăn hàng ngày, hãy chọn những loại đồ ăn bổ dưỡng, đầy đủ chất. Giống như việc nghe ngóng thời sự nóng hổi hàng ngày, bạn nên thanh lọc những tin tức thật bổ ích cho cuộc sống của bạn.

Tin tức cũng có thể cập nhập chất lượng hơn, hãy chọn món ăn ngon bổ dưỡng tinh thần, đừng chọn mì ăn liền!

 Bạn cứ đọc hết trang này rồi đến trang khác,  cuối cùng cảm thấy hoang mang và xót xa hơn trước khi đọc. Không có gì thay đổi, ngoại trừ việc đắm mình trong suy đoán và ý kiến ​​của người khác. Bất chợt để ý nghĩ và tinh thần bị xáo trộn bởi suy luận và cảm xúc của người khác.  Tại sao chúng ta lại tự hành hạ bản thân?

 Tại sao chúng ta nên nói lời chia tay với những tin tức nóng hổi?

Là con người, chúng ta có thiên hướng bị tác động bởi những sự kiện tiêu cực nhiều hơn là những điều tích cực. Chính những trải nghiệm tiêu cực giúp báo hiệu những mối đe dọa lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn. Từ thời xa xưa, tổ tiên ta đã truyền lại loại gien khiến chúng ta có xu hướng tiêu cực.

Xét khoảng 80 triệu năm tiến hóa của loài động vật hữu nhũ, bắt đầu từ những sinh vật giống loài gặm nhấm nhỏ lẩn tránh các con khủng long để sống sót và sinh sản trong phim Công Viên Kỷ Jura thường ngoái đầu ra sau, cảnh giác với những tiếng động nhỏ nhất từ bụi cây, mau chóng đứng yên hoặc bỏ chạy hoặc tấn công tùy tình huống, nó cũng như bất kỳ con thỏ hoặc con sóc nào bạn có thể nhìn thấy trong thế giới hoang dã ngày nay. Nhanh thì sống, chậm thì chết. ( trích dẫn bài tại đây)

Hàng nghìn năm trước, tổ tiên của chúng ta đã phải đối mặt với những mối đe dọa xung quanh mà giờ đây chúng ta không cần phải lo lắng nữa – chẳng hạn như những kẻ săn mồi – và việc để tâm hơn đến những kích thích tiêu cực này đóng một vai trò hữu ích trong sự sống còn. Đó cũng là một trong những lý do tại sao trẻ em thường thức dậy vào ban đêm. Thời xa xưa khi loài người còn theo lối sống bầy đàn ( du mục), khả năng sinh tồn đã khiến  trẻ em không thể say sưa giấc ngủ đề phòng những mối nguy hiểm rình rập. 

Một số biểu hiện của khuynh hướng tiêu cực:

  • Những trải nghiệm đau thương được ghi nhớ lâu hơn những điều tốt đẹp
  • Lời lăng mạ được ghi nhớ  tốt hơn là khen ngợi
  • Phản ứng mạnh mẽ hơn với các tác nhân gây tiêu cực có tâm trí
  • Nghĩ về những điều tiêu cực nhiều lần hơn là những điều tích cực

Chính vì vậy thông tin nóng hổi Breaking News không hữu ích, thay đổi từng phút, nhưng lại ảnh hưởng khá lớn đến cảm nhận của chúng ta. Thường là theo hướng tiêu cực, sau đó ảnh hưởng đến cách chúng ta trải qua một ngày và đối xử với những người khác.  Tin nóng đồng nghĩa với căng thẳng và căng thẳng có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất cũng như các mối quan hệ.

 Làm thế nào để chia tay với những tin tức nóng hổi?

 
 

1. Hội Chứng Sợ Bỏ Lỡ F.O.M.O.

FOMO – Fear Of Missing Out  thường dẫn đến cảm giác không thoải mái, không hài lòng, trầm cảm và căng thẳng. Sự gia tăng của phương tiện truyền thông xã hội đã làm tăng sự phổ biến của FOMO trong những năm gần đây.

Những người mắc phải hội chứng FOMO thường có cảm giác sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một điều gì đó. Cảm giác này ám ảnh người mắc phải tưởng rằng những người bên cạnh họ sẽ đạt được thứ gì đó mà mình không có được, sẽ biết được những điều hay ho mà mình chưa từng nghe qua.

 Vì vậy, đừng lo lắng về việc bỏ lỡ.  Thế giới sẽ chẳng thể sụp đổ khi bạn bỏ lỡ một vài tin tức chấn động toàn cầu. Sớm hay muộn câu chuyện đó hay tin tức đó sẽ đến tai bạn qua các cuộc trò chuyện tại công sở hay cùng gia đình và bạn bè. Điều gì đến sẽ đến, bạn không thể biết hết tất cả tin tức trên toàn thế giới ngay lập tức. 

2. Đặt thời gian & lên kế hoạch

 Viết ra “kế hoạch” rõ ràng về việc tiêu thụ tin tức trong vài ngày hoặc vài tuần tới.  Nếu bạn muốn cập nhập tin tức hàng ngày, hãy làm điều đó qua 2-3 trang tin tức co uy tín hoặc từ vài nguồn yêu thích khác của bạn như radio, podcast hay một trang tóm tắt thời sự mà bạn quan tâm nhất trong tuần.

Hãy giảm dần số lượng theo dõi các trang trên Mạng Xã Hội như Facebook, để mỗi lần truy cập bạn sẽ không phải nhấn chìm trong biển tin tức. Chọn ra khoảng thời gian thích hợp trong ngày như 10h sáng với 10-15 phút cập nhập, không nên dành nhiều thời gian hơn thế. 

Bỏ ra một ngày trong tuần và nói không với điện thoại hay bất kỳ thiết bị kỹ thuật số nào, tránh xa tin tức, có thể nói là detox! Mình có viết một bài về: ” 7 Bước Tối Giản Kỹ Thuật Số- Digital Minimalism kèm theo Podcast”.

3. Biến các sự việc tích cực thành những trải nghiệm tích cực

Trải nghiệm sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn là những suy nghĩ đơn thuần. Chính những trải nghiệm tích cực sẽ làm gián đoạn những phút giây rảnh rỗi bạn ngồi lướt mạng đọc một vài tin tức vô bổ. 

Để làm việc đó chẳng có gì là khó cả. Chỉ cần bạn quan tâm đến những điều hạnh phúc nhỏ nhất như có một bữa sáng ngon lành, một cốc cà phê thơm phức khi đang mệt mỏi với các dự án hoặc đơn giản chỉ là cuộc nói chuyện ngắn small talk, súc tích cùng cô bạn đồng nghiệp.

Mỗi ngày bạn có thể đặt ra một mục tiêu để chủ động tìm kiếm vẻ đẹp của thế giới, hoặc những dấu hiệu cho thấy bạn được người khác quan tâm chăm sóc. Hãy lựa chọn để bản thân cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, thay vì cảm thấy đau khổ hoặc tội lỗi về việc tận hưởng cuộc sống.

4. Thực hiện một giao ước

 Tự nhắn nhủ với bản thân hoặc giao kèo với bạn bè và gia đình khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Bạn có thể bỏ qua những thời sự nóng hổi, nhưng lại không mang đến một giá trị cụ thể nào cho chính bạn hay cuộc sống của họ. Thay vào đó hãy bắt đầu thay đổi cách nói chuyện theo chiều hướng tích cực hơn như:

 “Bạn đã nấu gì cho bữa tối?”

 “Có điều gì xảy ra gần đây khiến bạn cười không?”

 “Lần cuối bạn được ai giúp đỡ  khi cần?”

 ” Điều gì khiến bạn muốn thức dậy mỗi buổi sáng ?”

Biết rằng tin tức rất quan trọng khó có thể bỏ lỡ. Biết rằng thế giới cần “sự quan tâm nhất thời” của bạn. Nhưng cũng biết rằng bạn cần một chút thanh thản, cho đầu óc của bạn được nghỉ ngơi sau những căng thẳng mệt mỏi của công việc và cuộc sống hàng ngày. 

Hãy tạm dừng theo dõi “Breaking News” và tập trung tinh thần bồi dưỡng sức khỏe, cũng như tâm trí, bạn nhé!

 

Hãy Sống Đơn Giản

Natalia Huyền Nguyễn 

Nguồn tham khảo:

  1. https://tamlyhoctoipham.com/khoa-hoc-than-kinh/7-su-that-ve-nao-bo-quyet-dinh-hanh-phuc-cua-ban-585.html
  2. https://positivepsychology.com/3-steps-negativity-bias/
  3. https://www.thetherapyhouse.org/poc/view_index.php?idx=119&d=1&w=507&e=52714
  4. https://bemorewithless.com/broken-news/
Please follow and like
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024