All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

Nỗi sợ làm người khác thất vọng – Fear of disappointing others FODO. Podcast

Last updated on August 29, 2023

Bạn đã bao giờ cảm thấy tê liệt vì sợ hãi trước ý tưởng làm ai đó thất vọng chưa? Có lẽ bạn đã từng nghe đến FOMO – nỗi sợ khi bị bỏ lỡ. FODO cũng có chút yếu tố của FOMO, sợ hãi ở đây không phải là khi con người ta sợ bỏ lỡ cuộc chơi hay sự hiện diện của bản thân ở nơi nào đó, mà là nỗi sợ khi phải đối mặt với nỗi thất vọng mang đến cho người khác. Hai định nghĩa này nhìn thoáng qua có vẻ giống, nhưng có những lập luận khác nhau.  

Cảm giác để bạn bè hoặc thành viên trong gia đình thất vọng là điều tồi tệ nhất, vì vậy chúng ta mong làm bất cứ điều gì để tránh mang lại sự thất vọng cho họ. Xã hội ngày nay dường như tôn vinh nỗi sợ này như một điều gì đó khá tích cực bởi nó nghĩa là ta biết quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một luồng cảm xúc vô cùng tiêu cực khiến ta bỏ quên cả hạnh phúc của chính bản thân mình. Ta quên đi mất rằng, người chúng ta cần mang lại hạnh phúc và yêu thương trước tiên, đó chính là bản thân mình. 

“Vâng, tất nhiên là tôi sẽ đến dự bữa tiệc đó ngay sau giờ làm việc”
“Có chứ, con sẽ sinh con thứ hai sau khi cháu lớn được 2 tuổi, vì nhiều người bảo sinh con như vậy nuôi một thể cho dễ”

Đôi khi chỉ là một việc nhỏ, nhưng có thể chính quyết định để làm vừa lòng ai đó khiến cho tâm trạng bạn không được vui, bản thân không thoải mái, vì nếu từ chối sẽ khiến người kia buồn.

Nhưng làm hài lòng một ai đó bằng mọi giá? 

Đừng sống cuộc đời của bạn cho một ai khác. Bất cứ điều gì bạn đang trì hoãn, lo lắng rằng điều đó sẽ khiến người khác  thất vọng, hãy suy nghĩ và cân nhắc đôi chút….

Bạn muốn làm những gì khiến họ hạnh phúc hay theo đuổi hạnh phúc của riêng bạn?

India

Có những năm tháng tuổi trẻ mình đã sống hết mình. Nhiều khi là theo lý trí con tim và hành động đó được xuất phát đơn giản là vì muốn thoát ra khỏi vùng an toàn, muốn trải nghiệm những gì mà đối với người khác có lẽ là một điều không thể tưởng tượng được. Đợt năm cuối Đại học mình đã quyết tâm đăng ký qua một tổ chức cho sinh viên AIESEC tại trường Đại học tổng hợp Vac-sa-va, qua Ấn Độ làm tình nguyện viên cho hoạt đồng từ thiện vô chính phủ – NGO. Thật sự mà nói, nhiều người bạn và một vài thành viên trong gia đình lúc đó và có lẽ đến tận bây giờ vẫn không hiểu tại sao mình quyết định chọn một nước đông dân nhất nhì thế giới lại kém phát triển hơn châu Âu để trải nghiệm cuộc sống. 

taj mahal india
          India, Taj Mahal 2011

Thời điểm đó mình cũng không suy nghĩ gì sâu xa là sẽ phải sống gian khổ ra sao khi so sánh với tiêu chuẩn của Ba Lan vào năm 2011, chỉ biết thực sự muốn khám phá thế giới để có thể trao đổi và học cách sống uyển chuyển, dễ thích nghi trong mọi môi trường. Mình đã bỏ ngoài tai những suy nghĩ tiêu cực về đất nước Ấn Độ như quá đông dân số, ô nhiễm môi trường cao, trong nam khinh nữ hay nguy hiểm cho phái nữ nếu không toàn thông thạo như dân thổ địa. Nếu ngày đó mình chỉ dám hành động và cư xử để làm hài lòng những người có cách suy nghĩ đối lập với mình, thì giờ đây mình sẽ phải cực kỳ hối tiếc khi không được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thô sơ pha lẫn chút gì đó huyền bí. Đất nước tỷ dân này là một vùng đất xinh đẹp và quyến rũ  nhất nhì của châu Á. Nơi đây luôn là một trong những điểm dừng chân đầy mơ ước của những tín đồ đam mê du lịch danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Taj Mahal, Pink City Jaipur,  đi hành hương ở Kashmir, Himalaya hoặc tham gia tục lễ tắm sông Hằng. Riêng mình may mắn được biết thêm nhiều điều  thú vị về văn hóa phong tục Ấn qua thời gian sống chung một nhà trọ với những cô gái, tại thủ đô New Delhi. Họ vừa là những bạn gái truyền thống, vừa bắt nhịp theo lối sống phương Tây,  không sợ học hỏi những điều mới. Ngoài ra thì mình cũng được biết đến lối sống của những người tầng lớp dưới.  Chắc các bạn biết hoặc nghe qua bộ phim đình đám Slumdogs millionaire – Triệu phú ổ chuột, bộ phim có phản ánh thực tế đến cuộc sống của những dưới cùng tận đáy xã hội. Mình có dịp tiếp xúc cùng các em nhỏ tại những khu ổ chuột, nơi mà nhà 8 người phải sống chui sống lủi trong không gian chật hẹp 3-5m2. Ba thế hệ thay phiên nhau ngủ trong căn nhà tồi tàn. Các em bé thường không được đến trường do hoàn cảnh nghèo đói, thiếu thốn điều kiện. Nạn mù chữ tại đất nước huyền bí cổ kính này hiện tại vẫn đang khá là cao, chỉ khoảng 75 % dân số nằm trong danh mục thứ hai, những người tiếp xúc với giáo dục theo trang storymaps

Từ thời cổ đại, giáo dục đã được điều hành với mục đích giữ quyền lực của giới tinh hoa cầm quyền. Vào thế kỷ 20 ở Ấn Độ, nhu cầu giáo dục trở thành công ích đã ra đời. Thật không may, giai đoạn phân cấp xã hội dựa trên đẳng cấp, bất bình đẳng về quyền đã và đang gây khó khăn cho xã hội Ấn Độ trong việc áp dụng vào giáo dục. Luôn có sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, phần đông khi so sánh với nam giới họ không được đến trường. Nạn mù chữ dẫn đến nhiều diễn biến phức tạp như phụ nữ muốn kiếm tiền thêm nuôi gia đình thường phải chọn một nghề mà họ hoàn toàn không muốn như mại dâm. Mình đã từng nói chuyện với một cô Ấn Độ, cô kể rằng vì muốn giúp chồng trang trải mưu sinh đã phải ra “đúng đường”. Chính vì lý do đó khi phụ nữ kém hiểu biết lại không được đi học, họ thiếu kiến thức cơ bản về việc phòng chống lây lan đường tình dục khi mua bán mại dâm, dẫn đến tình trạng lây nhiễm HIV cao. 

Mình còn nhớ khi ở khu nhà trọ chung với các bạn đa quốc gia và các cô gái người Ấn, thường vào buổi sáng có người đến quét dọn lau chùi nhà. Khu nhà tụi mình ở thật sư điều kiện rất nghèo nàn, thế nhưng người giúp việc khá phổ biến tại Ấn, giống như một vài nước châu Á, như tại Việt Nam ta có oshin. Người đến dọn dẹp lau chùi thường là các cô gái trẻ tầm 15 tuổi, rất ngây thơ trong sáng. Mình có một vài lần đã bắt chuyện, hỏi ra mới biết các bạn gái trẻ đấy đi làm phụ giúp kinh tế gia đình, một điều đáng buồn nhất là các bạn đều không biết đọc và viết. Mình cảm thấy rất bùi ngùi và thương tâm cho  hoàn cảnh khó khăn của các bạn gái trẻ không được tiếp xúc với giáo dục. Mình chỉ thấy bản thân thật may mắn, thứ nhất là được sinh ra trong một môi trường có điều kiện khá hơn nhiều. Thứ hai đó là chính vì mình đã từng mạnh dạn không sợ hãi khi làm ai đó thất vọng, để rồi có thể thoát ra vùng an toàn trải nghiệm cuộc sống khốn khổ bên ngoài. Chính vì những lý do đó mình đang và sẽ quý trọng cuộc sống của mình. 

Nếu bạn liên tục làm theo những gì người khác mong đợi ở bạn, bạn sẽ đi đến đâu?

 Cuối cùng, bạn phải bắt đầu đưa ra quyết định của riêng bạn. Cuộc sống là của bạn chứ không của riêng ai. Theo quan điểm cá nhân mình,  thì đó không phải là tính cách hay hành động ích kỷ, chúng ta nên tạo ra những điều khiến cho chúng ta hạnh phúc thì tức khắc chúng ta như được tiếp thêm năng lượng để mang đến hạnh phúc cho những người xung quanh. 

Hãy bước ra ngoài và tỏa sáng, giống như bạn mang đến ánh nắng ấm áp lan tỏa tích cực và yêu thương đong đầy. Khi bạn tin vào bản thân và đặt ước mơ của mình thành hành động, thì người khác cũng sẽ bắt đầu đặt niềm tin vào bạn. Don’t fear disappointing others, fear of disappointing yourself!

Please follow and like
Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024