Last updated on Tháng tám 29, 2023
Ngành công nghiệp thời trang, nếu bạn chưa để ý, là một mớ hỗn độn khủng khiếp. Sản xuất quần áo và giày dép hiện chiếm 8,1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, nó bằng tổng tác động khí hậu của toàn bộ Liên minh Châu Âu. Các nhà phân tích của Euromonitor cảnh báo rằng mức tăng trưởng 5% hàng năm của thị trường thời trang có nguy cơ “gây ra sự căng thẳng chưa từng có đối với các nguồn tài nguyên trên hành tinh” bằng cách nâng sản lượng hàng năm lên hơn 100 triệu tấn vào năm 2030. Nếu không có hành động nào cụ thể ngăn chặn, chỉ riêng ngành sản xuất dệt may dự kiến sẽ tăng vọt 60%, theo Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Giá của thời trang nhanh và tương lai của quần áo
Thời trang nhanh “Fast Fashion” – nghĩa là quần áo rẻ tiền, dùng một lần, được sản xuất một cách bừa bãi, thiếu cẩn trọng bởi các công ty như Zara, H&M, Forever 21, Primark…làm ra – là một căn bệnh, mà cả hành tinh và nhân loại đang phải trả một cái giá rất đắt. Riêng Zara, mỗi năm xuất xưởng khoảng 840 triệu sản phẩm may mặc cho 6.000 cửa hàng trên toàn thế giới, thường ở mức lương cho người lao động dưới mức trung bình. Các con sông từng phát triển mạnh, từng là nguồn nước sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, đã bị đánh chìm bởi nước thải từ các nhà máy, biến thành các vùng chết sinh học với đầy rẫy các hóa chất gây ung thư. Những vi sợi nhỏ “microfibres” bằng nhựa, rơi ra từ quần áo tổng hợp trong quá trình giặt ủi, đang làm ngập nguồn cung cấp nước và chuỗi thực phẩm của chúng ta.
Thật khó có thể tin rằng “thời trang nhanh” chỉ thực sự bắt đầu vào cuối những năm 1980 – Zara nhận được rất nhiều lời khen và đồng thời bị đổ lỗi vì đã lấy ý tưởng sản xuất chuỗi cung ứng nhanh, một bước đột phá trong nền kinh tế hay một mối nguy cơ lâu dài gây thiệt hại cho môi trường. Nó còn có sự liên kết bất công đối với những người lao động chịu thiệt thòi được trả với mức lương siêu thấp so với công sức họ bỏ ra tại Bangladesh, Ấn Độ hay chính tại Việt Nam.
"NẾU MỘT MẢNH QUẦN ÁO BẠN CHI TRẢ VỚI GIÁ 19,99 $, ĐIỀU ĐÓ CÓ NGHĨA LÀ NGƯỜI LÀM RA MÓN ĐỒ ĐƯỢC TRẢ 19 CENTS."
Liệu chúng ta đã hay đang có những giải pháp nào để giải cứu nỗi u ám diệt vong hành tình xinh đẹp này, để hỗ trợ cho giải pháp thiết thực nhất đối với ngành công nghiệp dệt vải?
Có rất nhiều nhà hoạt động môi trường đi vòng quanh thế giới để tìm ra giải pháp, nói chuyện với các nhà thiết kế, nhà khoa học và những nhà hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Những người đang cố gắng điều chỉnh con tàu trước khi trượt đường ray lao xuống vực thẳm, cho dù đó là nhờ những đột phá qua công nghệ tái chế sợi, vật liệu trồng trong phòng thí nghiệm không độc hại, sản xuất tại địa phương, hay các nền tảng bán lẻ thay thế như bán lại và cho thuê, có thể đáp ứng mong muốn của thế hệ Instagram về sự mới lạ mà không gây tác động tiêu cực đến thời trang.
“Đây là một hành trình dài tràn trề hy vọng” đang đặt niềm tin vào sự nỗ lực của tất cả chúng ta. Hãy bắt đầu vào những việc nhỏ nhất nhự hạn chế mua đồ fast fashion, mua lại đồ cũ hoặc mượn online, như váy cưới, áo dạ hội….thực ra có rất nhiều giải pháp.
Hãy đế ý nhình xung quanh, chúng ta đã loại bỏ ống hút nhựa nhanh như thế nào? Nó cho thấy rằng người tiêu dùng có thể thúc đẩy các công ty và doanh nghiệp thay đổi cách nghĩ về công thức sản xuất.
Thế giới không còn cần quần áo mới, vì 92 triệu tấn quần áo cũ được đưa vào các bãi rác mỗi năm.
Bên cạnh các ví dụ về đạo đức ngành công nghiệp dệt may và cách để đối phó với nạn thời trang nhanh, chúng ta cũng cần phải hiểu một vài khía cánh khác nữa.
Được sản xuất ở Ba Lan hoặc Châu Âu không có nghĩa là sản xuất có đạo đức.
Nhiều khi chúng ta đặt niềm tin rằng, khi mua quần áo Made in Ba Lan, là đang học cách tránh xa sự bóc lột sức lao động công nhân xưởng may nói chung, đã khắc phục được vấn đề đạo đức thời trang. Tương tự, khi nhìn thấy nhãn quần áo được sản xuất tại một quốc gia Châu Âu. Áo T-shirt được may tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria hay Romania, không phải ở Trung Quốc thì có nghĩa là ta đang mua bán quần áo theo tiêu chuẩn đạo đức?
Thực ra đó là một sai lầm.
Mức lương ở Trung Quốc hiện nay cao hơn mức lương tối thiểu ở nhiều nước Đông Âu. Chúng ta có thể dần nhận ra rằng, việc bóc lột công nhân trong ngành may mặc không chỉ là một hiện tượng ở các nước châu Á xa xôi. Điều tương tự đang xảy ra ngay bên cạnh, ngay tại Châu Âu.
Với gần nửa triệu công nhân ở Romania, là một trong những nước sở hữu lực lượng lao động châu Âu lớn nhất trong lĩnh vực thời trang. Họ sản xuất quần áo cho nhiều thương hiệu nổi tiếng Tây Âu. Đồng thời, trong nhiều năm đã xảy ra vấn đề thiếu lao động trong ngành này, vì nó nổi tiếng với điều kiện làm việc không có tương lai. Lương dưới mức tối thiểu không đoạt tiêu chuẩn, nhưng sách nhiễu, quấy rối, người lao động, đe dọa sa thải liên tục, cũng nằm trong chương trình đối đãi nhân sự. Nơi làm việc không cung cấp đầy đủ máy thông gió, công nhân hạn chế tiếp cận với nước, vào mùa đông họ buộc phải bổ sung hệ thống sưởi cho các tòa nhà từ chính túi tiền của họ. Chiến dịch Quần áo sạch – “Clean Clothes” gần đây đã mô tả điều kiện làm việc ở Romania, các báo tương tự cũng có thể được tìm thấy trên trang web của các quốc gia khác.
Các chuỗi cửa hàng nhận thấy rằng người tiêu dùng có nhiều khả năng mua quần áo mang nhãn châu Âu hơn là hàng Trung Quốc, đó là lý do tại sao họ sản xuất một số quần áo ở ngay tại lãnh thổ châu Âu.
Đắt tiền không có nghĩa là được sản xuất hợp lý
Có rất nhiều ví dụ về các công ty định giá hàng hóa của họ cao nhưng lại sản xuất giá rẻ như các chuỗi cửa hàng trung bình. Và mức giá cao này không liên quan gì đến việc sử dụng lao động thân thiện với môi trường một cách công bằng. Một trong những lý do chúng ta nên chi tiêu một khoản tiền lớn hơn cho quần áo, vì khi đó giá cả được nâng cao giúp hỗ trợ sản xuất chất lượng tốt hơn đến từ một thương hiệu có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Do nhận thức của người tiêu dùng ngày càng cao, nên nhãn mác của những thương hiệu sang trọng đắt tiền, rất may cũng đã mất đi giá trị và không còn là biểu tượng của sự uy tín như cách đây vài năm. Chính sự hiểu biết của người tiêu dùng đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới sự minh bạch hơn.
Làm thế nào để biết một công ty sản xuất có đạo đức hay không?
Nếu bạn muốn biết một thương hiệu làm việc có đạo đức hay không, chắc chắn bạn sẽ phải tìm hiểu thêm về nó từ nhiều nguồn đáng tin cậy, chứ không phải trên trang web chính thức của công ty. Không ai khoe khoang về việc bóc lột phụ nữ hay gây ô nhiễm môi trường trên trang chủ. Nguyên tắc nói chung cực đơn giản, thương hiệu càng minh bạch, càng cụ thể và chi tiết, bạn càng có thể tin tưởng vào nó.
Mặc dù ngành công nghiệp quần áo đang thay đổi theo chiều hướng khả quan hơn, nhưng quy mô của sự thay đổi vẫn còn rất nhỏ. Không dễ chút nào để ăn mặc sao cho không gây hại đối với trái đất và con người, cũng như tất cả các mặt hàng quần áo đều phải tuân theo hệ sinh thái một cách công bằng ở mọi khía cạnh. Khi bạn mua sắm có ý thức, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng một vài thương hiệu nhất định sẽ đáp ứng một số tiêu chí đạo đức.
Mua đồ cũ Vintage là một lợi thế hay chỉ là một xu hướng nhất thời thay thế thời trang nhanh?
Tìm mùa đồ secon-hand không chỉ đảm bảo rằng những gì bạn mua sẽ là hàng độc nhất mà còn giúp bạn tiết kiệm tiền. Hoặc nếu bạn đang theo lối sống xanh zero waste, muốn giảm lượng đồ tiêu dùng nhanh, mua đồ tái chế …thì đây là một cách hữu ích.
Một bộ quần áo không chỉ mặc một lần mà được khoác lên nhiều lần bởi những người khác nhau: đây chính là tương lai của thời trang. Các cửa hàng đồ cũ, cửa hàng quần áo cũ và cửa hàng cho thuê online rất phổ biến trong thời điểm hiện tại.
Trước khi mua bất cứ thứ gì, chúng ta nên đặt nghi vấn hoặc suy nghĩ ít nhất ba lần. Bạn cũng có thể đọc thêm bài viết “Cách để khắc phúc cơn nghiện mua sắm” hoặc “5 câu hỏi đặt ra trước khi mua sắm” của mình trước đây.
Những dự báo thảm khốc của các nhà khoa học về khí hậu nóng toàn cầu và thực tế là ngành công nghiệp quần áo, đích thực là kẻ gây ô nhiễm thứ hai sau kẻ gây ô nhiễm dầu trên hành tinh của chúng ta. Nhiều người cảm thấy không chỉ nghiêng về quần áo mà là tất cả các mặt hàng hay dịch vụ nói chung. Chính vì lý do này, một mô hình kinh tế được cho ra đời, đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới: nền kinh tế chia sẻ – “sharing economy”.
Nó bao gồm bán, bán lại, cho thuê hoặc cho mượn hoặc chia sẻ hàng hóa cũng như dịch vụ vì lợi ích của cả hai bên và trên hết là vì bảo vệ môi trường. Quy tắc rất đơn giản: “Đừng vứt nó đi, chỉ cần trả lại hoặc bán nó” và “Nếu bạn cần một thứ gì đó – hãy mượn hoặc mua từ một người hàng xóm chẳng hạn”. Mô hình này bao gồm eBay, Etsy, BlaBlaCar, Uber, Airbnb, Task Rabbit và thậm chí cả Netflix.
Vintage được giới thiệu trên nhiều trang blog thời trang và được giới thiệu qua tủ quần áo của rất nhiều người nổi tiếng. Thời trang Vintage cổ điển ngày càng trở nên phổ biến, được biết đến rộng rãi hơn, đơn giản vì chúng ta đánh giá cao những cách tái chế sản phẩm, dùng lại đồ cũ hoàn toàn không phải là một điều gì sai trái hay quê mùa.
Chính xác như câu nói mình nhắc đến bên trên, quê mùa và không sang chảnh một chút nào. Thực ra mà nói đó là suy nghĩ lỗi thời, thời trang luôn có chu kỳ và thường lập lại theo năm tháng. Các thiết kế từ những năm 40, 50 và 60 phù hợp với nhiều kiểu dáng người và không làm mất đi phong cách cho dù ở bất kỳ thời điểm nào. Đó là lý do tại sao xu hướng cổ điển “nóng lên” mỗi mùa và trong mỗi bộ sưu tập mới, chúng ta có thể tìm thấy một cái gì đó lấy cảm hứng từ thời trang của những thời đại đã qua.
Tìm mua đồ Vintage, Second Hand ở đâu?
Hiện tại, có lẽ không thành phố nào mà thiếu bóng các cửa hàng đồ cũ, điều này nói lên rất nhiều điều về nhu cầu và cảm hứng thời trang. Khoảng gần 10 năm về trước khi còn sống bên Thụy Điển mình đã từng lang thang tại các cửa hàng Vintage, thỉnh thoảng cũng mua được những món đồ “vượt thời gian” không bị lỗi mốt. Lúc bấy giờ tại Ba Lan ( tức thành phố hiện tại mình sinh sống) mọi người lại dè bỉu bởi những món đồ mua từ của hàng quần áo cũ. Nhiều người lúc đó chưa có khái niệm bảo vệ môi trường cao, thay vào đó thường đổ xô đi mua đồ mới dạng fast fashion với cái giá phải chăng.
Theo báo cáo về nền kinh tế hiện này chỉ có 5% người Ba Lan không quyết định mua quần áo cũ, vì sợ bị xã hội đánh giá. Trước kia khi các chuỗi cửa hàng đồ cũ bắt đầu xuất hiện ở Ba Lan, đối với đại đa số mà nói, cửa hàng thể lọai này đồng nghĩa với sự nghèo đói và hầu hết dân họ không muốn mặc “quần áo rách vá”. Những gì mới, trendy, phong cách thời thượng mới được gọi là xa xỉ. Ngày nay, chúng ta đang ở thời điểm mà chẳng thiếu thứ gì với tổng sản xuất cao ngất ngưởng, nơi mà việc quay trở lại với sự lựa chọn có ý thức, thận trọng và có chọn lọc dường như là một trong những giải pháp cho tình trạng sản xuất thừa.
Chúng ta đang đối mặt với một cuộc cách mạng khác. Một phần của xã hội đang sử dụng thời trang một cách có ý thức, cũng như sáng tạo hơn. Các blogger người Scandinavia thường khoe chiến lợi phẩm vintage retro của họ, bao gồm các thương hiệu cao cấp như Chanel và Dior. Nhưng hầu hết các mặt hàng là quần áo cổ điển từ những năm 50 hoặc 80. Đó là xu hướng thống trị hồi đó và mua sắm đồ cũ là cơ hội để tìm kiếm một thứ gì đó đặc biệt.
Biết rằng ngành dệt may là một trong những ngành tạo ra nhiều tác động tiêu cực nhất đến môi trường và xã hội, thế nên bản thân chúng ta có thể thông qua nhận thức trực tiếp thay đổi dần cách nghĩ, tiêu dùng một cách thân thiện với môi trường và người lao động hơn.
Nguồn tham khảo bài viết:
- https://www.nytimes.com/2019/09/03/books/review/how-fast-fashion-is-destroying-the-planet.html
- https://kraftmagazyn.pl/perspektywa-na-vintage-moda-z-drugiego-obiegu-rodzi-sie-na-nowo/
- https://www.vox.com/2019/9/12/20860620/fast-fashion-zara-hm-forever-21-boohoo-environment-cost
- https://www.ethicalconsumer.org/fashion-clothing/what-fast-fashion-why-it-problem
- https://kukbuk.pl/artykuly/9-internetowych-second-handow-czyli-ubrania-w-styl/
- https://kukbuk.pl/artykuly/odpowiedzialna-moda-czy-ubrania-moga-byc-weganskie/