Last updated on Tháng bảy 18, 2024
Những bức hình phía dưới đều là do mình chụp và nhờ Google Photos lưu trữ. Có những tầm ảnh cách đây trên 10 năm nên pixels còn kém. Một vài nơi mình đã chụp hình quay video, nhưng đã không ghi lại vì thời trước kia lâu rồi thường hay đổi máy laptop, điện thoại & không dùng /chưa có lưu trữ trên mây như thời 4.0 bây giờ. Những chuyến đi qua 44 nước được mình mô tả kèm theo vài dòng ghi chú như là dạng nhật ký, không theo một thứ tự như năm , tháng cụ thể.
37. Thổ Nhĩ Kỳ – với chuyến đi này mình không có ấn tượng nhiều, đây là lần đầu tiên mình đi cùng bố mẹ chồng qua tour du lịch dạng all inclusive. 95% các chuyến du lịch trước đầy là do mình tự lên kế hoạch từ A-Z. Tiện lợi nhất đó là nhà nào có đông trẻ con, đi theo bố me cũng nhiều tuổi thì có thể lựa chọn du lich trọn gói đảm bảo ăn uống ngày 3-4 bữa, cộng thêm hồ bơi, đầy đủ các trò chơi cho các bé nhỏ. Du lịch kiểu này họ cũng bán thêm các tour đi thăm quan những địa danh nổi tiếng gần chỗ khách sạn bạn ở. Điểm trừ ở đây là đa số thời gian chỉ quay quanh bữa ăn, chơi các trò chơi của khách sạn tổ chức cho trẻ em hoặc người lớn với các hoạt động fitness như kiểu khu nghỉ dưỡng resort. Nếu bạn nào muốn biết thêm về văn hóa phong tục, lối sống của người dân bình thường, có lẽ all inclusive sẽ không là sự lựa chọn phù hợp.
Thành phố cổ Side nơi mình đến là một trong những thành phố cổ quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố này được thành lập vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và từng là một trung tâm thương mại và văn hóa quan trọng. Lúc đó cũng là lúc diễn ra Ramadan, ở đâu đó từ sáng sơm hoặc lúc xế chiều sẽ vang vọng tiếng cầu nguyện.
Ramadan là tháng nhịn ăn của người Hồi giáo, kéo dài 29 hoặc 30 ngày. Trong tháng này, người Hồi giáo sẽ nhịn ăn từ bình minh đến hoàng hôn, bao gồm cả việc không ăn, uống, hút thuốc và quan hệ tình dục.
Khi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Ramadan, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Tôn trọng văn hóa và tôn giáo của người Hồi giáo. Điều này có nghĩa là bạn nên ăn mặc kín đáo khi ở nơi công cộng, và tránh ăn uống, uống rượu hoặc hút thuốc lá ở nơi công cộng trong giờ nhịn ăn. Là phụ nữ nhớ mang theo một chiếc khăn để che tóc mỗi khi vào những địa điểm thiêng liêng như nhà thờ hồi giáo.
- Lịch trình các hoạt động của bạn sao cho phù hợp với giờ nhịn ăn. Ví dụ, bạn nên tránh ăn uống hoặc đi du lịch vào ban ngày trong tháng Ramadan. Nếu bạn chọn khách sạn,những địa điểm chỉ dành cho người nước ngoài thì vẫn có thể ăn uống bình thường
Dưới đây là một số lời khuyên cụ thể cho du khách khi du lịch Thổ Nhỹ Kỳ vào tháng Ramadan:
- Tham quan vào buổi tối. Hầu hết các điểm du lịch ở Side đều mở cửa vào buổi tối, vì vậy bạn có thể tham quan chúng mà không cần lo lắng về việc ăn uống hoặc uống rượu.
- Tham gia các bữa ăn Iftar. Bữa ăn Iftar là bữa ăn được phục vụ sau khi kết thúc giờ nhịn ăn. Bạn có thể tham gia các bữa ăn Iftar ở các nhà hàng hoặc nhà dân địa phương.
- Tôn trọng những người đang nhịn ăn. Nếu bạn thấy ai đó đang nhịn ăn, bạn nên tránh đề nghị họ ăn uống hoặc uống rượu.
38. Ấn Độ – đây là lần đầu tiên trong đời mình bước ra khỏi vòng an toàn tuyệt đối để tham gia làm tình nguyện viên cho tổ chức AIESEC ở New Delhi. Lúc đó mình đã từng nghĩ để không lãng phí tuổi trẻ thời sinh viên, là chỉ biết lên giảng đường, về nhà hoặc vào thư viện học nhồi nhét đạt điểm tuyệt đối hay tốt nghiệp với bằng loại giỏi, mình đã bỏ qua ngoài định kiến để tới Ấn Độ.
Làm một thành viên AIESEC bạn sẽ có một mạng lưới liên kết với rất nhiều trường đại học, tổ chức tình nguyên phi lợi nhuận trên toàn thế giới, hầu như đều ở những nước kém phát triển hơn, nơi mà cần sự giúp đỡ về giáo dục, tài chính hay những kiến thức cần thiết cho kỹ năng sống hoặc cũng có thể là nâng cấp trình độ trong công việc & học vấn. Bạn sẽ phại tự kết nối với các tổ chức và chon ra chương trình hay chủ để thích hợp với bạn. Mình vẫn còn nhớ đã thức đến tận đêm khuya để Skype với rất nhiều các tình nguyện viên ở nhiều nước. Cuối cùng mình đã chọn ra một chương trình thúc đẩy phát triển và nâng cao quyền nữ giới ở những nới còn kém về cơ sở giáo dục, đó là Ấn Độ.
Ban đầu mình cũng hoang mang lắm. Người ta sẽ lo cho mình nơi ở và ghi danh mình vào một dự án để có thể tham gia và cộng tác trực tiếp với người dân địa phương. Còn phần ăn uống, đi lại như vé máy bay các thủ tục xin visa toàn là do mình chuẩn bị và quyết định. Xin visa ( hồi đó mình còn mang quốc tịch Việt Nam nên cần xin visa, với hộ chiếu Ba Lan thì không cần thiết ) rất nhanh, chỉ cần đợi khoảng 1 tuần, không phải qua phỏng vấn hay nhiều thủ tục như hồi mình xin visa đi Mỹ, đi Nhật, Hàn Quốc….
Đến New Delhi, vừa ra khỏi sân bay mình đã bị sốc nhiệt và suýt ngất dưới cái nóng 45-47C. Mình trưởng thành ở châu Âu, đã quen với khí hậu khoảng 26-27C, đùng một cái khi nắng như đổ lửa khiến mình choáng váng theo đúng nghĩa đen và xin nằm nghĩ một vài tiếng ở nhà một cậu tình nguyện viên, lúc đó hất hải ra đón mình ở sân bay. Cậu người Ấn Độ này nhiệt tình lắm còn mời mình ăn bữa cơm Ấn Độ cùng gia đình, chính tay mẹ cậu nấu những món gia truyền đặc trưng Ấn, cứ gọi là ngon xuýt xoa.
Sau đó cậu đã giúp mình chuyển đến khu nhà trọ cùng các bạn nữ khác. Đến nơi, mình chỉ nhớ đó là một căn nhà 3 tầng lầu với nhiều chiếc phòng được chia ra. Mỗi phòng được kê 3-6 chiếc giường đơn giản, một chiếc tủ đơn sơ cùng một chiếc quạt trần. Nhà vệ sinh chung, nên mỗi sáng là một điều nhức nhối khi mấy chị em đều có nhu cầu chuẩn bị mất thời gian hơn các bạn nam ở khu nhà đối lập. Cho dù là khu nhà trọ hạng thấp với chi phí tiết kiệm, nhưng mỗi sáng đều có một bà hoặc một cô gái trẻ đến dọn dẹp, lau chùi và làm bánh mì naan vào buổi sáng cho mấy chị em. Sau này mình biết được những người giúp việc đều không biết chữ và chưa bao giờ được đến trường. Mình vẫn còn nhớ một cô bé trẻ giúp việc rất háo hức được họ chữ, và mình cũng giúp cô ý đọc bảng chữ cái mỗi sáng khi cô bé làm xong công việc dọn dẹp của mình.
Những ngày tiếp theo thì sáng nào mình cũng đi tuk tuk ( một loại xe chở giống bên Thái ) sau đó là metro hoặc có một người làm việc cùng dự án trở mình bằng xe máy. Vào cửa metro hay những nơi đông người như sân ga, sân bay, khu mua sắm…..lúc nào cũng có lính túc trực vì bên đó đã xảy ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu và sự tranh chấp lãnh thổ giữa Pakistan & Ấn Độ khiến an ninh cũng rất nghiêm ngặt. Theo với mình là cô bạn người Brazil gốc Nhật Bản, hai chị em ngày nào cũng chăm chỉ dậy từ sớm để cùng nhau đi làm. Công việc của tụi mình làm chủ yếu là đến một vài tổ chức phi lợi nhuận để giúp họ chia sẻ các kiến thức phổ thông, tâm sự với các cô gái cần sự giúp đỡ về mặt tinh thần cũng như tài chính. Các cô gái này có độ tuổi từ 10 đến phụ nữ trên 50, họ không biết chữ hoặc biết nhưng rất hạn chế. Họ đến các tổ chức để được giáo dục hoặc tìm sự bao dung thấu hiểu, học thêm các kỹ năng mới với mục đích thoát khỏi nghèo đói ,đổi đời hoặc sự kiềm chặt của các ông chồng. Mình có một cuộc phỏng vấn nho nhỏ với một vài người phụ nữ, họ nói rằng họ trốn các ông chồng để đi làm thêm kiếm tiền trang trải nuôi con. Làm thêm ở đây đó là mại dâm, vì không biết chữ nên xin việc là một điều khó không tưởng đối với họ. Những người phụ nữ đáng thương này đến các trung tâm tư vấn thường có bác sỹ chỉ dẫn họ cách phòng chống thai hoặc kiểm tra xét nghiệm HIV.
Trọng nam khinh nữ là một vấn nạn tồn tại lâu đời ở Ấn Độ, có nguồn gốc từ nhiều yếu tố, bao gồm:
- Tôn giáo: Trọng nam khinh nữ là một quan niệm đã ăn sâu vào văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ. Theo truyền thống Hindu, đàn ông được coi là quan trọng hơn phụ nữ, vì họ là người kế thừa dòng dõi gia tộc và là người thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
- Luật pháp: Trong quá khứ, luật pháp của Ấn Độ cũng có những quy định phân biệt đối xử với phụ nữ. Ví dụ, phụ nữ không được thừa kế tài sản, không được tự do kết hôn và không được tham gia chính trị.
- Kinh tế: Trong xã hội Ấn Độ, phụ nữ thường được coi là gánh nặng cho gia đình. Họ được kỳ vọng sẽ kết hôn sớm và sinh con, để chồng và gia đình họ có thể chăm sóc.
Những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính ở Ấn Độ, với tỷ lệ nam giới cao hơn nữ giới. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ nam giới/nữ giới ở Ấn Độ là 107/100.
Trọng nam khinh nữ có những tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ em gái ở Ấn Độ. Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ cao bị bỏ rơi, bị ngược đãi và bị giết hại. Nạn nạo thai sau khi biết được giới tính cũng khá cao, có lẽ tương tự như ở Trung Quốc. Bé gái , phụ nữ cũng có ít cơ hội được giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tham gia các hoạt động kinh tế.
Sống ở Ấn Độ hơn một tháng giúp mình hiểu được những khó khăn xảy ra tại đây, những điều mà trong sách vở hay ngồi ghế nhà trường chắc chắn mình sẽ không được học tới. Mình rất vui khi bỏ ngoài tai những định kiến về đất nước hơn tỷ dân này để có cơ hội đến đây chứng kiến bằng mắt sự phận biệt tầng lớp, giàu nghèo hay trọng nam khinh nữ phổ biến tại Ấn.
Trong thời gian ở Ấn Độ mình cũng giảm được 5kg vì ở đây hầu như mọi người đều ăn chay, thực đơn chủ yếu là rau củ quả. Đến khi vào McDonald hay đi bất cứ bữa tiệc &nhà hàng câu đâù tiên họ hỏi mình đó là Vege hay Non Vege. Mình cũng học được cách chia sẻ đồ ăn dư thừa do mua với số lượng nhiều thay vì bỏ vào thùng rác hoặc mua đồ ăn ( chứ không cho tiền bạc vì có bảo kê quản lý các em nhỏ này ) có thể đem cho lại các bạn nhỏ đang đứng hoặc chay theo ăn xin trên khắp các góc phố.
Ở chung với các bạn nữ Ấn Độ mình mới biết họ có những cuộc hôn nhân sắp đặt bởi gia đình, bên lề họ vẫn đi hẹn hò với các chàng trai khác. Đây là sự cực đoan khi con người ta bị cấm đoán thường phát sinh ra những ý tưởng hoặc hành động trái chiều nhằm phản bác chống đối lại xã hội hay sự áp đặt của gia đình. Còn nhiều điều muốn kể về chuyến đi bổ ích và đáng nhớ này lắm….nếu bạn nào hứng thú mình sẽ viết lại một bài riêng kể về thời gian mình sống tại Ấn.
39. Thụy Điển Sau khi tốt nghiệp Thạc Sỹ mình đã xin được một suất đi thực tập bên Stockholm do khối châu Âu tài trợ. Họ trả tiền cho mình đi làm còn về phần ăn ở mình đã tự lên kế hoạch tìm hiểu. Cuốc sống ở Thụy Điển đã một phần nào đóng góp trong hình thành thói quen bảo vệ môi trường, sống xanh và ít rác thải của mình.
Mình có thuê một phòng ở ghép đôi với một người phụ nữ Rumunia. Điều mình nhớ đến tận bây giờ đó là trong khu nhà mình ở, chẳng ai sử dụng máy giặt riêng. Họ chỉ có một cái máy giặt chung cho tất cả ở dưới tầng hầm. Có rất nhiều nguyên tắc sống liên quan đến việc tiết kiệm nước như dùng chung máy giặt, hay phân loại rác. Cô bạn người Ba Lan cũng đi làm thực tập chung công ty thì có hẳn một khu nhà riêng như kiểu tiệm giặt ủi đồ để người dân sống ở đó mang quần áo đến giặt. Có phòng chờ ngồi đọc sách báo hay nghe nhạc. Khái niệm về sống xanh sạch là môt phong trào tiên phong tại Thụy Điển nói riêng và Bắc Âu nói chung, sau này mới được phổ biến rộng hơn ở những nước Đông Âu, trong đó có Ba Lan.
Điều mình thích ở Thụy Điển là họ chăm chỉ tập thể dục thể thao như là trượt tuyết ngoài trời, đi xe đạp cả kể mùa đông giá rét hay như các bé thường được trường cho ra ngoài vui đùa gần gũi với thiên nhiên. Bên này ánh nắng rất hiếm hoi, điểm chung ở các nước lạnh là ngày ngắn đêm dài. Ai cũng trong tình trạng thiếu Vitamin D. Nhiều người thường nhân dịp mùa đông đi nghỉ ở xứ nóng như bay sang châu Á ( Thái Lan, Việt Nam….) Trong giờ làm việc họ cũng cân nhắc việc nghỉ ngơi thư giản để có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Hàng ngày mọi người trong công ty mình thường tụ tập để uống cà phê ăn bánh, họ gọi đó là Fika.
Điểm chung lại thì mình đã hình thành tính cách dần dần rất giống với người Bắc Âu và có chút Ba Lan hóa, những đặc điểm nhận dạng sau đây của người Thụy Điển.
Người Thụy Điển có một số đặc điểm bao gồm:
- Thái độ sống
Người Thụy Điển được biết đến với lối sống bình dị, giản đơn. Họ không quá coi trọng vật chất và luôn hướng đến sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Người Thụy Điển cũng rất coi trọng sự tự do cá nhân và tôn trọng quyền riêng tư của người khác.
- Văn hóa
Văn hóa Thụy Điển có nhiều điểm tương đồng với văn hóa của các nước Bắc Âu khác, như Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt đáng chú ý. Ví dụ, người Thụy Điển rất coi trọng sự bình đẳng và hòa nhập xã hội. Phụ nữ cũng được coi trong như đấng mày râu điển hình đó là khi nghỉ sau khi sinh con, học được phân chia đều giữa nam va nữ việc chăm sóc con nhỏ, không như đa số các nước châu Âu khác thì đàn ông chỉ được nghỉ 2 tuần để chăm sóc con ( ở Ba Lan chẳng hạn )
- Ngôn ngữ
Ngôn ngữ chính thức của Thụy Điển là tiếng Thụy Điển, một ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ German Bắc. Tiếng Thụy Điển có nhiều điểm tương đồng với tiếng Đan Mạch và tiếng Na Uy. Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt đáng chú ý, khiến người Thụy Điển khó có thể hiểu được tiếng Đan Mạch hoặc tiếng Na Uy nếu không được học. Họ cực giỏi tiếng Anh từ bác lao công, người lái xe buýt hay cô dọn dẹp đều nói được tiếng Anh, có người con nói rất lưu loát.
- Đúng giờ
Người Thụy Điển rất coi trọng sự đúng giờ. Họ thường đến đúng giờ cho các cuộc hẹn, dù là hẹn hò, gặp gỡ bạn bè hay đi làm. Sự đúng giờ được coi là biểu hiện của sự tôn trọng đối với người khác. Mình cũng học được cách coi trong giờ giấc, nghiêm túc với cuộc hẹn và đến đúng giờ từ khi sinh sống tại châu Âu nhất là sau khi thực tập tại Thụy Điển.
- Xếp hàng
Người Thụy Điển cũng rất coi trọng việc xếp hàng. Họ luôn xếp hàng một cách trật tự, ngay cả khi có rất ít người. Việc xếp hàng được coi là biểu hiện của sự tôn trọng lẫn nhau.
- Không chen lấn
Người Thụy Điển cũng không có thói quen chen lấn. Họ luôn nhường chỗ cho người già, phụ nữ và trẻ em. Việc không chen lấn được coi là biểu hiện của sự lịch sự và văn minh.
- Sự riêng tư
Người Thụy Điển rất coi trọng sự riêng tư. Họ thường không hỏi về chuyện riêng tư của người khác, trừ khi được phép. Việc tôn trọng sự riêng tư được coi là biểu hiện của sự tôn trọng đối với người khác.
- Tự do cá nhân
Người Thụy Điển rất coi trọng tự do cá nhân. Họ cho rằng mỗi người có quyền sống và làm theo ý mình, miễn là không làm ảnh hưởng đến người khác. Việc tôn trọng tự do cá nhân được coi là một giá trị quan trọng trong xã hội Thụy Điển.
Tất nhiên, không phải tất cả người Thụy Điển đều có những đặc điểm này. Tuy nhiên, nhìn chung, những đặc điểm này khá phổ biến ở người Thụy Điển và giúp họ tạo nên một bản sắc riêng biệt so với người châu Âu khác.
40. Pháp – mình có gia đình và người thân ở Paris, đó là lý do tại sao khi năm 3 đại học mình đã nộp đơn xin đi học trao đổi ở bên Pháp. Một phần là lý do tài chính, hai cũng là cơ hội mình có thể trải nghiệm văn hóa phong phú, giàu về di sản lịch sử, hội họa, văn chương, ẩm thực, kiến trúc hay thời trang…. nổi tiếng khắp thế giới. Có nhiều người đã từng mơ đến Pháp, thành phố mông mơ như trong nhiều bộ phim ăn khách được yêu thích toàn cầu. Đợt mình sống ở Pháp thì chưa có Netflix để chiếu Emily in Paris :).
Tiếng Pháp cũng là một trong ngôn ngữ mình yêu thích cho dù không nói thành thạo, nhưng mình đọc và hiểu rất tốt. Thời 2009 mình có học trao đổi tại trường Mỹ bên Paris, lý do đó mình không sử dụng nhiều tiếng Pháp và mình hay rụt rè khi nói tiếng Pháp. Anh chị em họ mình đẻ bên Pháp, họ nói tiếng Pháp như người bản xứ, nhiều lúc mình cứ mở miệng ra nói là thấy sai sai không nuột nà như họ ( dù sao tiếng Pháp không dễ nuốt và phổ biến bằng tiếng Anh), nhưng nếu cứ vứt mình ra ngoài để giao tiếp một mình hoặc sử dùng những từ phổ thông thì mình thấy cũng có thể vượt qua được.
Thời còn là sinh viên khi tài chính còn hạn hẹp mình đã không du lich khắp nước Pháp. Sau này có cơ hội quay lại cũng chỉ quanh quẩn ở Paris để thăm gia đình. Đã đi qua một vài thành phố trong chuyến công tác, rất chớp nhoáng vì lịch trình làm việc dày đặc.
Nhưng để nhớ nhất đó là hồi tháng 11 năm 2015 mình sang thăm bạn và gia đình bên Paris. Sau một cuộc hẹn với cô bạn người Pháp gốc Campuchia, bạn ý đã viết ra những nhà hàng nên đến ở Paris. Trong danh sách có nhà hang Le Petit Cambodge. Rất phấn khởi mình hẹn gặp một cô bạn Ba Lan để đi thưởng thức bữa tối, trên chuyến tàu metro tụi mình đã bàn với nhau đi đâu, mình có gợi ý là đi nhà hàng được giới thiệu trên, cô bạn đó đã cứu sống mình khỏi cái chết và nói rằng: “Thôi đi nhà hàng Pháp đi, gặp mấy người bạn Pháp của tớ”.
Mạng mình thiệt là còn quá lớn. Ngay sau đó mình nhận được cuộc điện thoại từ chị họ mình hỏi đang ở đâu vì cả thành phố đang chìm trong máu lửa với những vụ khủng bổ rải rác từ sân vận động đến quán bar, nhà hát. Trong đó có quán bar được giới thiệu bởi cô bạn của mình trước đó Le Petit Cambodge.
Mình hộc tốc chạy ra ngoài bắt chuyến tàu về ngay nhà, trên đường đi tình hình rất hỗn loạn, nhiều phương tiện tắc nghẽn, cảnh sát trang bị vụ khí kiểm tra anh ninh mọi khu phố đông người. Đó là một ngày kinh hoàng trong đời mình và một phen hú vía. Trên đường về cô bạn người Pháp còn gọi để xác nhận xem mình có đến cái quán bar Campuchia như cô ấy đã giới thiệu, sau đo thở phào nhẹ nhõm vì mình đã trở về nhà an toàn.
Vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13 tháng 11 năm 2015 là một chuỗi các vụ tấn công khủng bố Hồi giáo xảy ra tại thủ đô Paris của Pháp. Vụ tấn công diễn ra vào tối thứ Sáu, ngày 13 tháng 11 năm 2015, và là một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Pháp.
Mình đã tự nhủ với bản thân sẽ quay lại cùng con trai một ngày gần nhất để khám phá miền Nam nước Pháp.
41. Hàn Quốc – đó là những năm tháng sinh viên của trường đại học Kyung Hee vui nhất của cuộc đời mình, có rất nhiều bức ảnh thời con học trao đổi bên Hàn Quốc nhưng mình không dám chia sẻ, vì đó thuộc về quyền riêng tư của các bạn sinh viên học cùng mình, chỉ dám update những bức ảnh solo thôi :P.
Mình đã làm quen với hội sinh viên Việt Nam tại Suwon, song song cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các bạn sinh viên Hàn Quốc và các bạn sinh viên quốc tế. Mỗi hội nhóm có một lợi thế và giải trí riêng đặc trưng. Mình rất là hạnh phúc vì có thể học được cách hòa nhập với nhiều môi trường và ngôn ngữ khác nhau, khiến cho mình tự tin hơn trước đám đông. Từ một con người hướng nội nhút nhát mình đã trở nên cởi mở và dễ hòa đồng, điều đó đã hỗ trợ mình trong thời gian tìm kiếm và nhận được một công việc trong công ty đa quốc gia sau này. Đi một đàng học một sàng khôn, các cụ nói cấm có sai.
Ở Suwon mình đã tận mắt chứng kiến con người Hàn Quốc từ sinh viên đến người đi làm đều luôn mệt mỏi và áp lực do bệnh thành tích. Họ không thể phụ lòng xã hội, thầy cô hay bất cứ ai, luôn phải nỗ lực hết mình để tranh đua, vì lý do đó chắc các bạn cũng không xa lạ về vấn đề nhức nhối nhạy cảm này, nhiều người trong số họ tìm đến cái chết.
Mình là một trong những đứa châu Á kiểu nửa nạc nửa mỡ, đến học với mục tiêu kết bạn, giao lưu khám phá văn hóa chứ không bị lam dụng tư tưởng phải đạt điểm số tối đa. Một phần cũng vì mình được đào tạo ở châu Âu, việc học cũng bớt phần nào căng thẳng so với các bạn sinh viên châu Á, nhất là Hàn Quốc. Mình vẫn còn nhớ một cậu sinh viên chạy ra làm quen hỏi mình học ngành nào, đa số sinh viên Việt Nam toàn học công nghệ thông tin, làm về nghiên cứu sinh học….cậu thanh niên đó đã quá bất ngờ khi mình trả lời : Tớ học quản trị kinh doanh” . Sau câu nói đó của minh cậu ta lẩm bẩm tự nhủ: “sao mà có thể học cái môn siêu dễ ý nhỉ, có gì mà phải học? ” :))) Có lẽ trong mắt mọi người lúc đó mình như cô bé tóc vàng hoe giả vờ có chút tri thức để hòa nhập chăng? Mà lúc đó mình cũng chẳng để ý nhiều, quan trong nhất vẫn là trải nghiệm sống.
Sau này mình có quay lại Hàn Quốc để dự đám cưới một cô bạn người Tàu kết hôn với người Hàn. Nếu có dịp chắc chắn mình sẽ quay trở lại Hàn Quốc.
42. Ý – đây là một trong những nước mình sang thăm nhiều lần nhất. Lần đầu tiên mình đặt chân đến Rome và Vatican là khoảng năm 2004,2005 gì đó. Những năm về sau mình thường xuyên quay lại Ý chủ yếu là du lịch cùng gia đình và có 2 lần sang công tác hỗ trợ làm việc nhóm ở một thành phố nhỏ tại Ý. Cô em gái mình cực mê nước Ý, cứ mỗi năm nó lại bay sang Ý ít nhất một lần. Một bài viết trước đây của mình về đất nước muôn màu muôn vẻ, biểu tượng của thời trang thế giới ở đây.
Ý là một quốc gia xinh đẹp và hấp dẫn với một lịch sử lâu đời, một nền văn hóa phong phú và một nền ẩm thực tinh tế. Nếu có điều kiện các bạn hãy ghé thăm một lần, mình xin trở lại bài viết về đất nước thời thượng bậc nhất ở những bài viết sau này.
43. Vatican – định ghép Vatican vào mục 42, nhưng được tính là một đất nước riêng biệt nên phải viết thêm. Chuyến đi Vatican cách đây mười mấy năm, chụp ảnh xong ghi chép ở đâu cũng chẳng nhớ nổi, đành ngâm ngùi photoshop thôi ạ, mọi người thông cảm. Mình vẫn nhớ là hôm đó trời mưa âm u, phải cầm dù che mưa xếp hàng dài để được vào bên trong. Một vài điều để biết về Vatican ở dưới đây.
Vatican là một quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất thế giới, nằm trong lòng thủ đô Roma, Ý. Vatican có diện tích khoảng 0,44 km² và dân số khoảng 800 người.
Vatican là một quốc gia có chủ quyền, có chính phủ, quân đội, và hệ thống pháp luật riêng. Tuy nhiên, Vatican cũng là một quốc gia thần quyền, với Đức Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia.
44- Bỉ – đây có lẽ là đất nước cuối cùng trong danh sách bài viết đi qua 44 nước với những câu chuyện mini nhật ký kể về hành trình khám phá cuộc sống có pha chút “du mục” của mình.
Bruxelles là thành phố mình đã ghé thăm phải trên 6-7 lần ( đã ngừng đếm số lần đến) , lý do đơn giản là có một cô bạn thân người Ba Lan đang định cự sinh sống làm việc tại đây. Bạn ý là một trong những người phụ nữ mình rất ngưỡng mộ, làm về công nghệ thông tin nên rất giỏi và thông minh.
Bỉ có lịch sử lâu đời, có thể truy nguyên từ thời La Mã. Nước này đã từng là một đế chế hùng mạnh, thống trị nhiều vùng đất ở châu Âu.
- Cổ đại: Bỉ là một phần của đế chế La Mã từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên.
- Trung cổ: Bỉ là một phần của đế chế Frankish từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10. Sau đó, Bỉ bị chia thành nhiều lãnh thổ nhỏ.
- Thời hiện đại: Bỉ trở thành một quốc gia thống nhất vào thế kỷ 19.
Lịch sử gần đây: Bỉ là một trong những quốc gia thành lập Liên minh châu Âu. Nước này cũng là một thành viên của NATO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Ngôn ngữ: Tiếng Hà Lan là ngôn ngữ chính thức ở Vlaanderen (phần phía bắc của Bỉ), trong khi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức ở Wallonie (phần phía nam của Bỉ). Tiếng Anh cũng được sử dụng khá phổ biến ở các thành phố lớn. Nếu cọ much đích định cư ở đây bạn nên suy nghĩ đến việc phải thông thạo cả tiêng Hà Lan & Pháp.
4 phần bài viết là một cuộc hành trình dài cả thanh xuân của mình. Nơi mình sinh ra lớn lên tại quê hương Việt Nam yêu dấu và nơi mình trưởng thành và hiện giờ đang sinh sống là quê hương thứ hai trong tim mình, Ba Lan. Với hai quốc gia thân yêu, mình sẽ dành hẳn một bài viết về sau nay để chia sẻ những cảm xúc của mình, nhất là về Ba Lan. Vì mình nghĩ Ba Lan được ít nhắc đến hơn, và có thể một vài độc giả chưa từng nghe đến đất nước thân thương này.
Kết luận
Sau 44 chuyến đi, mình đã có cơ hội khám phá những nền văn hóa khác nhau, gặp gỡ những người thú vị và trải nghiệm những điều mới mẻ. Những chuyến đi này đã giúp mình mở mang tầm mắt, hiểu biết hơn về thế giới và bản thân mình.
Mình cảm thấy may mắn đã dành lấy những cơ hội, thời gian và tiền bạc để đánh đổi lấy những chuyến đi đầy ý nghĩa này. Mình sẽ không bao giờ hối hận khi bỏ công sức ra, bởi những chuyến đi đã mang đến cho mình những trải nghiệm vô giá mà mình sẽ không bao giờ quên.
Dưới đây là một số bài học mà mình đã học được từ những chuyến đi của mình:
- Thế giới là một nơi rộng lớn và đa dạng. Mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán riêng. Điều quan trọng là phải mở lòng đón nhận những điều mới mẻ và tôn trọng sự khác biệt.
- Mọi người đều có điều gì đó để dạy cho chúng ta. Trong chuyến đi của mình, mình đã gặp gỡ những người từ mọi tầng lớp xã hội và nền văn hóa khác nhau. Mỗi người đều có những câu chuyện và kinh nghiệm sống quý báu để chia sẻ.
- Cuộc sống là ngắn ngủi. Chúng ta nên tận dụng tối đa thời gian của mình để khám phá thế giới và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Mình hy vọng rằng những câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho bạn để bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới của riêng mình.