Last updated on Tháng mười hai 1, 2020
Sau một năm viết Blog và mong muốn theo đuổi phong cách đơn giản có chút tối giản, mình nhận ra rằng mình đã vượt qua những cám dỗ mùa sales, mùa giảm giá cuối năm trước dịp tết. Dĩ nhiên mình sẽ không nói rằng mình dửng dưng với những khẩu hiệu đại trà, quảng cáo khắp mọi nơi kiểu mời chào, ma mị khách hàng từ quảng cáo ngoài đường phố cho đến các ứng dụng trên điện thoại. Khó ai có thể lướt mạng mà không bị sa lưới giảm giá dạng Black Friday hay bất cứ đợt Sales giảm giá cuối năm nào.
Làm thế nào mà mình có thể ung dung tự tại không màng đến chuyện bàn dân thiên hạ ào ạt mua sắm?
Viết blog, rồi theo dõi những người truyền cảm hứng cho mình trên con đường trở thành một người chú trọng vào chất lượng cuộc sống, sức khỏe, sự bền vững thay vào vật chất nhiều hơn. Qua những bài đăng trên blog, video, sách, podcasts về chủ nghĩa tối giản, đã giúp mình trải qua một hành trình thay đổi bản thân, cải thiện được lối sống rõ rệt. Điển hình cho thấy mình giờ đây không còn mê muội shopping hàng giờ hay chen lấn xô đẩy với bao người trong các trung tâm thương mại hoặc đơn giản chỉ là ngồi nhà và mua sắm ào ạt online.
Mình xin chia sẻ những bí kíp dựa trên kinh nghiệm của riêng bản thân làm thế nào để giảm bớt mua sắm theo số lượng, thay vào đó tập trung vào chất lượng. Bạn cũng có thể có những ý kiến khác, bởi vậy trong bài viết này mình chỉ mong nêu ra một vài ví dụ cá nhân, nếu bạn có những suy nghĩ khác hãy cùng tham gia bình luận nhé.
- Tắt & xóa các ứng dụng điện thoại
- Tắt thông tin trên mạng xã hội
- Khóa các loại quảng cáo, banners
- Tham khảo, đọc bình luận & đánh giá sản phẩm trước khi mua
- Ngừng theo dõi các cửa hàng, hãng thời trang trên mang xã hội, khi đó bạn sẽ dễ dàng bỏ đi thói quen ngồi hàng giờ ngắm nghía online – tốn rất nhiều thời gian vô ích, kết cuộc chính là quẹt thẻ mua không tính toán, để rồi dẫn đến tình trạng luôn thiếu tiền hoặc tiêu quá mức cho phép, mua những món đồ chẳng mấy khi bạn dùng đến
- Tránh lượn lờ, la cà không mục địch tại các trung tâm thương mại hay khu mua sắm, đừng nghĩ chỉ đi xem thôi vì cuối cùng bạn sẽ mua một thứ gì đó hay tốn tiền ăn uống, cà phê sau một vài tiếng mệt mỏi vì chỉ đi ngắm thôi mà. Mình đã nhiều lần mất thời gian mệt nhoài chạy qua chạy lại các cửa hàng không rõ mục đích, và lần nào cũng phải mua ít nhất một món đồ. Sau đó mình lại nghĩ,mình chẳng cần đến nó, chỉ vì mua cho bõ công đi…
- Luôn xem lại tủ quần áo , sắp xếp đồ trong tủ – chính những lúc như vậy bạn dễ nhận ra số lượng quần áo mà mình đang sở hữu
- Tương tự như quần áo bạn có thể bày biện đồ đạc trong nhà theo thể loại – category như đồ điện tử, tài liệu, đồ gia dụng, những món đồ của bạn luôn có một “góc riêng” của mình. Nếu bạn làm vậy bảo đảm sẽ dễ dàng biết được chúng đang ở đâu mỗi khi cần và tránh trường hợp mua thêm một chiếc máy sấy tóc, vì chiếc kia đã mất tích đâu đấy
- Trước khi mua tặng ai một món đồ có thể thay thế bằng trải nghiệm như lớp học nấu ăn, buổi hòa nhạc, ăn tối tại một nhà hàng…đơn giản là vì nhiều khi bạn háo hức mua quà đợt giảm giá, nhưng thực ra chúng chưa chắc đã là món đồ mà người bạn tăng yêu thích
- Hãy nghĩ đến việc mua đồ chất lượng hơn số lượng, mua đồ bền sẽ dùng được lâu dài, giảm chất thải và bỏ một chút quan tâm đến vấn đề môi trường. Mua ít -Mua đồ bền, tốt – Giảm Đi Lượng Rác – Ủng Hộ Sự Phát Triển Bền Vững Của Các Doanh nghiệp – Bảo Vệ Môi Trường
- Xin lại đồ cũ, mua đồ second hand ( đọc thêm bài viết tại đây)
- Học cách không so bì với bạn bè, người quen ai hơn ai; Họ có thì mình cũng phải mua. Nên biết nhu cầu đích thức của bản thân, tránh chạy theo xu hướng nhất thời
- Quan tâm tìm hiểu đến những công ty sản xuất, những món đồ mình mua có nguồn gốc ra sao, vì khi biết được thông tin sẽ giúp chúng ta ra quyết định sáng suốt hơn dựa trên chất lượng, thành phần, cách làm sản phẩm, cách công ty đối đãi với những người lao động, nên biết đây có phải là một nhà sản xuất theo thương mại công bằng – Fair Trade chẳng hạn
Kết luận là bạn nên là một người tiêu dùng thông thái, đưa ra những lụa chọn tốt nhất, để tránh ùa theo số đông mua những sản phẩm mà có thể khi đem về chúng ta sẽ vứt nó một xó không thương tiếc. Bạn hãy nghĩ đến những khía cạnh khác từ khâu sản xuất, sản phẩm, chất lượng, thành phần, ưu điểm và cách sử dụng món đồ. Học cách kiềm chế mua theo cảm hứng , bốc đồng nhất thời.
Chúc bạn có thể thoải mái trải nghiệm mùa sales cuối năm 2020 một cách có giá trị nhất!