Lớn lên ở Việt Nam đến năm lớp 4 và sau đó sang Ba Lan khi hoàn toàn không biết tiếng, mình đã trải qua một hành trình đầy thử thách và trải nghiệm đáng giá. Bước vào môi trường mới giữa hai nền văn hoá hoàn toàn khác biệt là một cuộc chiến không ngừng giữa việc cố gắng hoà nhập nhưng cũng phải giữ lại những giá trị riêng của mình. Qua góc nhìn tâm lý, xã hội học và văn hoá, hành trình này đã giúp mình nhìn nhận sâu sắc về bản sắc cá nhân, về những gì mình học được và cả những gì mình đã đánh mất.
Những khó khăn lớn nhất
1. Rào cản ngôn ngữ:
Khi mới đến Ba Lan, không biết một chữ tiếng Ba Lan nào thực sự là trở ngại lớn nhất của mình. Mình phải học lại mọi thứ từ những điều cơ bản nhất, giống như bắt đầu lại từ con số 0. Ngay cả những câu giao tiếp đơn giản nhất như “chào” hay “tên bạn là gì?” cũng trở thành thách thức. Điều này không chỉ gây khó khăn trong học tập mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kết bạn và xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh.
Mình vẫn nhớ rõ ngày đầu tiên đến lớp, không biết cách chào hỏi hay tự giới thiệu khiến mình cảm thấy lạc lõng và mất tự tin. Rào cản ngôn ngữ làm mình trở nên ngại giao tiếp, luôn sợ sẽ nói sai, bị phán xét, thậm chí bị bạn bè cười chê. Nỗi sợ đó khiến mình thu mình lại, tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự cô đơn và xa cách.
Tuy nhiên, qua hành trình vượt qua những khó khăn này, mình đã dần nhận ra rằng chính những thách thức ngôn ngữ lại là cơ hội để mình phát triển và hoàn thiện bản thân. Thay vì để rào cản này kìm hãm, mình biến nó thành động lực để học hỏi và hoà nhập. Mình đã từng chia sẻ trong các video & video. trước về cách mình học ngôn ngữ, biến khó khăn thành lợi thế, và bạn có thể tham khảo để thấy rõ hơn con đường mình đã đi qua.
Những rào cản ban đầu ấy đã không còn là bất lợi, mà giờ đây trở thành một phần quan trọng giúp mình hiểu và tiếp cận với thế giới đa văn hoá, mở ra những cánh cửa mới trong cuộc sống.
2. Phân biệt chủng tộc:
Ở Ba Lan, việc mình là người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á, đôi khi khiến mình bị phân biệt đối xử. Những ánh mắt lạ lùng, những lời nói kỳ thị hoặc thậm chí là hành động xa lánh là điều mình đã trải qua. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra một cách lộ liễu, nhưng cái cảm giác khác biệt và không hoàn toàn được chấp nhận luôn hiện hữu.
Mình nhiều lần đã bị chỉ thằng vào mặt là nên cuốn xéo về nước, đây không phải chỗ cho mình. Đó có thể xảy ra trên đường phố, khi di chuyển phương tiện giao thông công cộng. Rất nhiều trường hợp, khi mình đưa người thân vào nhập viện, khi họ nhìn thấy bệnh nhân là người Việt Nam họ liền có ánh mắt thiếu thiện cảm, phần coi thường, đến khi mình cất giọng và nói lưu loát tiếng Ba Lan, mới dần dần thu khoảng cách và họ bắt đầu đối xử với mình và người thân đang cần cứu chữa đúng theo quy trình nhập viện.
3. Khó khăn trong hòa nhập văn hoá:
Sự khác biệt văn hoá giữa Việt Nam và Ba Lan không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ, mà còn thấm sâu vào lối sống, tư duy và các giá trị xã hội hàng ngày. Ở Ba Lan, mình cảm nhận rõ sự đề cao tính cá nhân và độc lập. Mọi người thường có xu hướng coi trọng sự tự chủ trong cuộc sống và các quyết định riêng tư, còn ở Việt Nam, giá trị cộng đồng, gia đình, và mối quan hệ giữa bạn bè lại được đặt lên hàng đầu. Điều này khiến mình luôn phải tự cân bằng giữa việc hoà nhập vào môi trường mới nhưng vẫn muốn giữ lại những giá trị truyền thống của văn hoá Việt Nam.
Một ví dụ điển hình là trong việc chia sẻ chi phí khi đi ăn uống. Ở Ba Lan, khi nhóm bạn cùng nhau đi ăn, chi phí thường được chia đều cho từng người, dù mỗi người có thể ăn nhiều hay ít khác nhau. Điều này thể hiện sự độc lập tài chính và tính công bằng giữa mọi người. Thậm chí trong các buổi hẹn hò, việc chia đôi hóa đơn giữa nam và nữ cũng rất phổ biến, thể hiện tư tưởng bình đẳng giới. Đối với mình, ban đầu đây là một cú sốc nhỏ vì ở Việt Nam, quy tắc ngầm thường là người nào mời sẽ trả tiền cho cả nhóm, nhất là trong những buổi gặp gỡ với bạn bè thân thiết, gia đình, hoặc khi một người nam mời bạn gái đi chơi.
Ngoài ra, sự khác biệt còn thể hiện trong các dịp lễ và cách tổ chức sự kiện. Ở Ba Lan, những dịp lễ như Giáng Sinh hay Phục Sinh thường được tổ chức trong phạm vi gia đình nhỏ, rất cá nhân và riêng tư. Người Ba Lan thường dành thời gian cho gia đình hạt nhân của mình, ít có những bữa tiệc lớn với hàng xóm hay họ hàng xa như ở Việt Nam. Mình có người “bạn đời” là người Ba Lan, mỗi lần họp mặt gia đình ngày lễ tết cũng chỉ vỏn vẹn trên dưới 10 người. Nếu là dịp lễ lớn thì tiệc trên 50 người là một con số khá lớn và đối với người Ba Lan, cả kể khi đám cưới mà mời 100 người đối với họ là đại tiệc.
Trong khi đó, những dịp lễ ở Việt Nam như Tết Nguyên Đán, không chỉ là dịp để gia đình đoàn tụ mà còn là lúc để kết nối với họ hàng xa, bạn bè, thậm chí cả hàng xóm. Mỗi lần họp mặt gia đình như ăn uống bình thường đã trên dưới 30-40 người, còn tụ tập Tết hay lễ lớn có khi tới 60-70 người, đám cưới thì cả 500-600 người. Đấy là sống ở Ba Lan, không có đầy đủ thành viên trong gia đình ông bà, bác, cô chú dì họ hàng xa dưới quê thì chắc phải đông như chảy hội.
Điều này tạo ra sự mâu thuẫn trong mình khi mình muốn duy trì sự gần gũi của cộng đồng nhưng cũng đồng thời phải học cách thích nghi với tính cá nhân hoá trong văn hoá Ba Lan.
Sự khác biệt về giá trị gia đình và cá nhân còn thể hiện ở việc ra quyết định trong cuộc sống. Ở Ba Lan, người trẻ thường được khuyến khích tự quyết định hướng đi của mình, từ việc học tập đến sự nghiệp. Ngược lại, ở Việt Nam, quyết định của mỗi người thường có sự ảnh hưởng lớn từ gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Ban đầu, mình thấy khá lạ lẫm khi bạn bè Ba Lan có thể quyết định rời xa nhà từ rất sớm, thậm chí không cần xin phép cha mẹ trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. Trong khi đó, mình lớn lên với suy nghĩ rằng gia đình luôn phải được hỏi ý kiến và tham khảo trước khi đưa ra những quyết định lớn trong cuộc sống.
Những sự khác biệt này, từ cách ứng xử trong giao tiếp hàng ngày đến cách tư duy về mối quan hệ, đòi hỏi mình phải học cách điều chỉnh. Ở một số khía cạnh, mình cần học cách chấp nhận và thích nghi với tư tưởng độc lập của văn hoá phương Tây, nhưng mình cũng không muốn đánh mất sự gần gũi và quan tâm đến cộng đồng, gia đình như truyền thống Việt Nam đã dạy. Chính việc dung hòa hai giá trị này đã giúp mình phát triển một lối sống đa dạng và cởi mở hơn.
4 Cảm giác lạc lõng, không hoàn toàn thuộc về bất kỳ nơi nào:
Trên hành trình trở thành một công dân toàn cầu với tư tưởng đa văn hoá, mình dần nhận ra rằng cảm giác lạc lõng, khi không hoàn toàn thuộc về một quốc gia hay văn hoá nào, không còn là một hạn chế, mà thực ra lại là một sự tự do. Khi còn sống ở Việt Nam, mình cảm thấy mình là một phần của nền văn hoá ấy, từ ngôn ngữ, thói quen, cho đến những giá trị được truyền dạy. Tuy nhiên, khi đến Ba Lan và bắt đầu hoà nhập với văn hoá phương Tây, mình nhận ra rằng bản thân không còn chỉ thuộc về một nơi duy nhất. Những giá trị văn hoá Việt Nam vẫn in đậm trong mình, nhưng đồng thời, những ảnh hưởng từ Ba Lan cũng dần trở thành một phần không thể thiếu của con người mình. Vì vậy, mình không thể nói rằng mình hoàn toàn là người Việt Nam, nhưng cũng không thể coi mình là người Ba Lan một cách trọn vẹn.
Đây không phải là sự hoang mang về bản sắc, mà là sự nhận thức rằng mình thuộc về một thế giới đa dạng, nơi không cần phải tự giới hạn trong một bản sắc cố định. Khi ở bên cạnh nhóm bạn thuần Việt Nam, mình nhận ra có sự khác biệt trong tư duy và cách sống của mình, bởi những ảnh hưởng từ văn hoá Ba Lan đã thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề. Chẳng hạn, có những lúc mình cảm thấy khó hiểu với sự cứng nhắc trong các quan niệm truyền thống của bạn bè Việt Nam, hoặc những quy chuẩn giao tiếp mà ở Ba Lan, người ta ít khi quan tâm. Ngược lại, khi ở trong nhóm bạn Ba Lan, mình vẫn mang theo những đặc điểm của văn hoá Việt Nam, như sự gần gũi, cởi mở với gia đình, bạn bè, hay những giá trị truyền thống về sự tôn trọng và khiêm nhường. Điều đó đôi khi khiến mình cảm thấy khác biệt so với những người bạn ở đây.
Tuy nhiên, thay vì cảm thấy không thuộc về bất cứ nơi nào, mình học cách chấp nhận và yêu quý cả hai phần của bản thân. Điều này giúp mình nhận ra rằng mình không cần phải lựa chọn giữa một văn hoá nào mà có thể xây dựng một con đường giao thoa giữa nhiều nền văn hoá khác nhau. Mình có thể thích nghi với từng tình huống, từng bối cảnh khác nhau mà không bị bó buộc bởi một bản sắc cố định. Ví dụ, khi mình làm việc trong môi trường đa quốc gia, mình dễ dàng kết nối với những người có trải nghiệm tương tự—những người đã từng sống, học tập và làm việc ở nhiều quốc gia. Họ hiểu được cảm giác khi phải học một ngôn ngữ mới, thích nghi với phong cách sống mới, và đối mặt với những khó khăn về thủ tục hành chính hay rào cản văn hoá. Những người này thấu hiểu sâu sắc rằng việc dung hòa các giá trị văn hoá khác nhau không chỉ là cách để sống sót mà còn là một cách để phát triển bản thân và mở rộng thế giới quan.
Chính vì thế, mình luôn lựa chọn môi trường làm việc đa văn hoá, nơi mình có thể gặp gỡ và làm việc với những người có trải nghiệm toàn cầu. Những người này hiểu rằng sự pha trộn giữa các giá trị, tư tưởng và văn hoá là điều cần thiết để thích nghi trong môi trường mới, nhưng quan trọng hơn, nó cũng là một nguồn động lực, cảm hứng để phát triển.
Một ví dụ điển hình cho sự khác biệt này là em gái mình, sinh ra và lớn lên ở Ba Lan. Em không trải qua quá trình học tập và thích nghi từ đầu như mình, nên tư tưởng và bản sắc của em gắn chặt với văn hoá Ba Lan hơn rất nhiều. Em và những người bạn đồng trang lứa cũng không trải nghiệm sự lạc lõng hay khó khăn khi hòa nhập, vì họ đã lớn lên với văn hoá Ba Lan ngay từ đầu. Tuy nhiên, nếu bạn đã lớn lên ở Việt Nam, đã trải qua thời gian học tập và giáo dục trong môi trường cấp 1, cấp 2, sau đó chuyển đến Ba Lan như mình, thì hành trình hoà nhập sẽ đầy thử thách hơn nhiều. Bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu—từ ngôn ngữ, cách tư duy, cho đến những khía cạnh văn hoá khác. Dù bạn có thể học để hiểu và thích nghi với văn hoá Ba Lan, nhưng để thuần hoá 100% như người bản địa là điều rất khó.
Chính điều này đã giúp mình nhận ra một chân lý quan trọng: không cần phải ép buộc bản thân phải hoàn toàn thuộc về một nền văn hoá nào. Thay vào đó, mình đã tìm thấy sự tự do và phong phú trong việc sống giữa nhiều nền văn hoá khác nhau, và đây là điều làm cho bản thân mình trở nên đặc biệt.
5. Sự khác biệt trong tư duy và lối sống:
Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục tập trung chủ yếu vào kiến thức sách vở và sự chăm chỉ được coi là yếu tố then chốt để đạt được thành công. Học sinh thường phải học thuộc lòng và nắm vững lý thuyết, bài vở để đạt điểm cao trong các kỳ thi. Điều này tạo nên một môi trường học tập mà việc tiếp thu kiến thức được đánh giá chủ yếu qua khả năng ghi nhớ và khả năng làm bài kiểm tra, thay vì phát triển kỹ năng tư duy phản biện hay sáng tạo.
Ngược lại, ở Ba Lan, mặc dù hệ thống giáo dục vẫn có những yếu tố lý thuyết như Việt Nam, nhưng người ta cũng khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện và phát triển kỹ năng xã hội hơn. Giáo dục ở Ba Lan đặt nhiều trọng tâm hơn vào việc học sinh tự suy nghĩ, đặt câu hỏi và tranh luận để tìm ra những giải pháp mới. Tuy vậy, điều này chưa được thực hiện một cách triệt để ở tất cả các cấp học. Ở nhiều trường phổ thông và thậm chí cả đại học, phương pháp giảng dạy vẫn còn phụ thuộc nhiều vào lý thuyết và các phương pháp truyền thống, tương tự như hệ thống giáo dục ở Việt Nam.
Mình có cơ hội để so sánh rõ rệt hai cách tiếp cận này, vì trong 5 năm đại học, mình học theo chương trình giáo dục của Mỹ và có cơ hội trao đổi, thực tập và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Mình đã hoàn thành bằng Cử nhân ở Pháp, Thạc sĩ ở Hàn Quốc, thực tập tại Thuỵ Điển và làm việc cho các công ty Mỹ sau khi tốt nghiệp. Những trải nghiệm này cho phép mình nhận thấy sự khác biệt rõ ràng trong cách tiếp cận giáo dục ở các nước phát triển so với Ba Lan và Việt Nam. Ở các quốc gia phương Tây và Hàn Quốc, sinh viên được khuyến khích tham gia thực hành, phát triển kỹ năng mềm và tư duy đa chiều thay vì chỉ tập trung vào việc học lý thuyết.
Việc phải thích nghi với cả hai cách tiếp cận giáo dục này đã tạo ra những mâu thuẫn trong cách mình tiếp nhận kiến thức và đánh giá giá trị của việc học. Ở Việt Nam, mình được dạy rằng kiến thức là thứ bạn phải nắm vững và học thuộc, trong khi ở Ba Lan và các nước khác, việc học được xem là một hành trình phát triển tư duy, kỹ năng, và sáng tạo. Chính sự giao thoa giữa hai nền giáo dục này đã giúp mình trở nên linh hoạt hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức khi phải cân bằng giữa kiến thức sách vở và tư duy sáng tạo.
Sự khác biệt văn hoá giữa Việt Nam và Ba Lan
1. Tính cộng đồng và tính cá nhân:
Ở Việt Nam, gia đình và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Mối quan hệ với người thân, bạn bè và đồng nghiệp thường rất gần gũi và liên kết chặt chẽ. Gia đình không chỉ là nơi nương tựa mà còn là trung tâm của các mối quan hệ xã hội, nơi mọi người thường xuyên hỗ trợ và chăm sóc lẫn nhau. Sự quan tâm đến gia đình và truyền thống giữ gìn các giá trị văn hoá được coi trọng, và nhiều quyết định trong cuộc sống thường phụ thuộc vào sự đồng thuận của gia đình. Thường có một hai, thậm chí 3 thế hệ sống dưới một mái nhà.
Ngược lại, ở Ba Lan, tính cá nhân hoá được đề cao hơn. Mỗi người tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình và thường ít phụ thuộc vào người khác. Điều này thể hiện rõ trong cách mà người già sống độc lập. Ở châu Âu nói chung, người cao tuổi thường không hoàn toàn phụ thuộc vào thế hệ trẻ như con cái hay cháu. Họ có xu hướng tự lập và sống nhờ vào các nguồn tài chính cá nhân như lương hưu hoặc bảo trợ xã hội. Ngoài ra, việc tham gia vào các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người già là khá phổ biến, cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận và chăm sóc cho người cao tuổi giữa hai nền văn hoá này.
2. Giao tiếp:
Người Việt Nam thường có xu hướng giao tiếp lịch sự, nhẹ nhàng, và đôi khi có phần vòng vo để tránh mất lòng người khác. Họ coi trọng sự hòa thuận và lòng tôn trọng trong các mối quan hệ, điều này thường dẫn đến cách diễn đạt không trực tiếp nhằm giữ gìn cảm xúc của đối phương.
Ngược lại, người Ba Lan thường thẳng thắn và trực tiếp trong giao tiếp, coi trọng sự trung thực và rõ ràng. Họ không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình một cách minh bạch mà không cần phải vòng vo hay né tránh vấn đề.
Gần đây, khi trở về Việt Nam và gặp gỡ gia đình cùng người thân, mình nhận ra rằng mình đã trở nên quá rạch ròi và thẳng thắn do ảnh hưởng từ cách giao tiếp của người Ba Lan. Chỉ sau 2-3 ngày, mình đã nhận được nhắn nhủ rằng ở Việt Nam, điều quan trọng là tình người, và không nên tính toán quá chi li trong các mối quan hệ. Nhận thức này khiến mình hiểu rằng sự khéo léo và tinh tế trong giao tiếp là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
3. Phong tục lễ hội:
Ở Việt Nam, các lễ hội thường mang tính gia đình và cộng đồng cao như Tết Nguyên Đán, với nhiều phong tục như cúng tổ tiên, đi chùa, giỗ ông, giỗ bà…. Ở Ba Lan, lễ hội Giáng Sinh và lễ Phục Sinh mang tính tôn giáo rất rõ ràng, gắn liền với đạo Công giáo.
4. Quan niệm về thời gian:
Người Việt thường linh hoạt với thời gian, đôi khi việc trễ hẹn một chút có thể chấp nhận được hoặc mình thường nói là giờ cao su, hẹn gặp mặt lúc 18h, nhưng có thể đủng đỉnh tới lúc 19h.. Ngược lại, người Ba Lan có xu hướng rất đúng giờ và coi trọng thời gian, việc trễ hẹn có thể bị coi là thiếu tôn trọng. Mình mà có hẹn là rất chuẩn giờ giấc, bởi phong cách giờ giấc đúng hẹn đã ăn sâu vào tiềm thức khi ở Ba Lan quá lâu.
5. Vai trò của giáo dục:
Ở Việt Nam, sự thành công trong học tập thường được đánh giá qua điểm số và bằng cấp, còn ở Ba Lan, người ta tập trung hơn vào kỹ năng mềm, khả năng tự học và tư duy sáng tạo. Ít khi có ai khoe điểm hay thành tích, thường khi họp phụ huynh cô giáo sẽ không thông báo điểm hay là top 10, xếp hạng lớp gì đâu. Phụ huynh được nhận thông báo kết quả riêng biệt/ có thể là hình thức online về tiến độ kết quả học tập của con trẻ.
6. Phong cách sống:
Ở Việt Nam, cuộc sống thường náo nhiệt, đông đúc và tốc độ nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ở Ba Lan, cuộc sống có phần bình yên hơn, không khí và nhịp sống chậm rãi, đặc biệt ở các vùng ngoại ô.
7. Chế độ ăn uống:
Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng với sự đa dạng và phong phú, phản ánh văn hóa và lịch sử phong phú của đất nước. Các món ăn Việt Nam thường sử dụng nhiều gia vị và rau củ tươi, tạo nên những hương vị tươi mát và hấp dẫn. Sự phong phú trong các loại rau và gia vị như tỏi, hành, ớt, và các loại thảo mộc không chỉ giúp tăng cường hương vị mà còn mang lại lợi ích sức khỏe. Khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng giúp các loại rau củ phát triển phong phú, từ đó góp phần tạo nên những món ăn đa dạng và đặc sắc.
Ngược lại, ẩm thực Ba Lan lại chịu ảnh hưởng nhiều từ khí hậu lạnh và lịch sử của đất nước. Ở đây, các món ăn thường nặng về các loại thịt, khoai tây và bột. Các món ăn thường được chế biến theo phương pháp nấu lâu, hầm hoặc nướng, nhằm giữ ấm cho cơ thể trong thời tiết lạnh giá. Những gia vị được sử dụng không đa dạng như ở Việt Nam, thường chỉ bao gồm muối, tiêu, và một vài loại gia vị cơ bản khác. Sự đơn giản trong cách chế biến và nguyên liệu thường phản ánh những điều kiện sống khắc nghiệt của khí hậu và lịch sử của người dân nơi đây.
Lợi thế
1. Mở rộng tư duy và tầm nhìn:
Việc sống và học tập ở hai nền văn hoá khác nhau giúp mình phát triển một tầm nhìn rộng mở hơn. Mình học được cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, không chỉ bó buộc trong một hệ tư tưởng duy nhất.
2. Khả năng thích ứng nhanh:
Việc phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn từ nhỏ, như chuyển đổi ngôn ngữ và văn hoá, giúp mình phát triển kỹ năng thích nghi rất tốt. Mình học cách tự mình đối mặt với các thử thách, từ việc học ngôn ngữ mới cho đến hòa nhập xã hội.
3. Trở thành cầu nối văn hoá:
Nhờ việc hiểu biết cả văn hoá Việt Nam và Ba Lan, mình có thể đóng vai trò cầu nối giữa hai nền văn hoá này. Mình hiểu được sự khác biệt và giá trị của mỗi bên, từ đó tạo ra sự hiểu biết và hoà hợp hơn trong giao tiếp và tương tác.
4. Tăng cường sự độc lập và tự tin:
Việc phải tự mình vượt qua nhiều rào cản trong môi trường mới giúp mình trở nên tự tin hơn. Mình đã học được cách tự tin vào khả năng của bản thân trong việc giải quyết mọi vấn đề và thử thách.
Kết luận
Hành trình từ một đứa trẻ lớn lên ở Việt Nam đến khi thích nghi với cuộc sống ở Ba Lan thực sự là một thử thách lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội quý giá để mình học hỏi, trưởng thành và phát triển bản thân. Việc sống giữa hai nền văn hóa khác nhau không chỉ đơn thuần là việc học ngôn ngữ hay làm quen với lối sống mới. Đó còn là một cuộc hành trình sâu sắc trong việc tìm kiếm và xây dựng bản sắc cá nhân của mình. Mình không hoàn toàn thuộc về Việt Nam hay Ba Lan; thay vào đó, mình là sự kết hợp độc đáo giữa hai thế giới, mang trong mình những giá trị, truyền thống và trải nghiệm từ cả hai nền văn hóa. Điều này không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống của mình mà còn mở ra cho mình một cái nhìn đa chiều về thế giới, giúp mình trở thành một công dân toàn cầu với tư tưởng đa văn hóa.