Last updated on Tháng mười một 9, 2024
Mình không biết các bạn thế nào, nhưng mình từng có một khoảng thời gian mà mỗi lần có tin nhắn đến là lại hồi hộp, mong chờ hoặc lo lắng. Đôi khi chỉ một tin nhắn không vừa ý là tâm trạng bị ảnh hưởng suốt cả ngày, thậm chí kéo dài đến vài hôm.
Chúng ta thường để tâm quá nhiều vào những dòng tin nhắn. Có lẽ vì ai cũng mong muốn nhận được sự công nhận từ người khác, hoặc vì ta dễ nhạy cảm với những lời nói, chữ viết. Nhưng cũng có khi, chính vì quá nghiêm trọng hóa mọi thứ mà ta tự làm khổ mình.
Một trải nghiệm cá nhân
Mình nhớ lần đó, sau khi tốt nghiệp cấp 3, mình có nhắn tin hỏi thăm một người bạn cũ, chỉ là những câu hỏi rất bình thường như: “Dạo này cậu thế nào? Ra trường rồi thì làm gì?”. Nhưng rồi bạn ấy không trả lời. Mình cứ đợi, kiểm tra điện thoại nhiều lần xem có tin nhắn chưa. Đôi khi nghĩ thầm rằng, có lẽ bạn ấy đã quên mình rồi.
Thời gian trôi qua, mình cũng dần quên mất câu chuyện đó. Vậy mà sau tận 8 năm, bạn ấy đột nhiên nhắn lại! Cảm giác nhận được tin nhắn ấy khá thú vị, bởi mình đã quên hẳn câu chuyện trước kia và chỉ thấy vui vì người bạn ấy vẫn còn nhớ đến mình. Thế nhưng khi gặp lại nhau vài lần, mình nhận ra bạn ấy không trả lời sớm chẳng phải vì bận rộn hay quên mất, mà đơn giản là mình không nằm trong danh sách những người quan trọng với bạn ấy. Và bạn ấy chỉ trả lời khi thấy muốn thôi.
Thời gian trôi đi, mọi thứ thay đổi. Những cảm xúc xưa cũ tưởng như quan trọng đến thế, giờ lại nhẹ nhàng đến lạ.
Một lần khác…
Có lần mình tham gia một nhóm chat , cuộc thảo luận đang rất sôi nổi. Mọi người bàn luận về một chủ đề mà ai cũng nhiệt tình tranh luận, cảm giác như hai dòng sông đang hòa vào nhau, tạo nên cơn thủy triều dữ dội. Bỗng dưng mình thấy nên dừng lại. Bởi càng đi sâu vào, mình càng cảm thấy khó chịu, suy nghĩ quá nhiều và căng thẳng.
Mình quyết định rút lui, và ngay lập tức, một người trong nhóm nhắn lại rằng: “Cậu không chín chắn gì cả, cao trào thế này mà lại đòi dừng?”. Nhưng mình biết rõ khi nào nên dừng, bởi nếu cứ tiếp tục, mình sẽ mất cả đêm suy nghĩ miên man mà chẳng giải quyết được gì. Sau đó, mọi thứ lắng lại, mình thấy nhẹ nhõm hơn vì đã không để bản thân bị cuốn vào một mớ cảm xúc phức tạp.
Tại sao chúng ta dễ bị chi phối bởi tin nhắn?
Có thể chúng ta quan trọng hóa vấn đề, hoặc lo lắng quá nhiều về việc người khác nghĩ gì. Một phần cũng vì tính cách nhạy cảm, đôi khi là do áp lực xã hội, sợ bị cô lập, sợ mất đi sự kết nối với người khác.
Nhưng bạn có biết rằng, ngôn từ – dù là lời nói hay tin nhắn – chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống? Suy nghĩ của người khác về mình, hay cảm xúc thoáng qua của ta, đều thay đổi theo thời gian. Mọi thứ chỉ là tạm thời, và rồi tất cả sẽ tan biến như một cơn gió.
Giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh bởi tin nhắn
1. Đừng để tin nhắn kiểm soát cảm xúc của mình:
Có những lúc im lặng là câu trả lời tốt nhất. Không phải lúc nào cũng cần phải phản hồi ngay lập tức.
2. Đặt giới hạn cho bản thân:
Đừng dành quá nhiều thời gian để dán mắt vào điện thoại. Hãy sống thật với cuộc sống hiện tại và tận hưởng những khoảnh khắc bên người thân.
3. Tìm sự bình an trong tâm hồn:
Thực hành thiền định hay đơn giản là dành chút thời gian tĩnh lặng mỗi ngày sẽ giúp tâm trí bạn thư thái hơn, tránh bị cuốn vào những chuyện vụn vặt.
4. Tắt hết notification:
Nếu bạn cảm thấy dễ bị lôi cuốn vào các cuộc trò chuyện qua MXH, điện thoại thì hãy tắt luôn chuông thông báo tin nhắn, chỉ để chuông điện thoại hoặc thông báo cho những ứng dụng thực sự cần thiết như công việc…
Cũng có thể kiểm tra và xoá toàn bộ ứng dụng không dùng đến, tránh bị sao nhãng và cũng là một cách tiết kiệm pin.
Ví dụ trong cuộc sống hàng ngày
– Trong công việc: Một đồng nghiệp gửi email phê bình công việc của bạn. Trước khi phản ứng ngay, hãy bình tĩnh và xem xét liệu đó có phải là góp ý mang tính xây dựng không. Đừng để cảm xúc điều khiển hành động của mình.
– Trong gia đình: Đôi khi mẹ bạn nhắn tin trách móc vì bạn không về nhà đúng giờ. Thay vì nổi nóng, hãy gọi điện để giải thích và xoa dịu tình hình. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu ta giao tiếp trực tiếp.
– Trong tình yêu: Nếu một tin nhắn chia tay khiến bạn bàng hoàng, hãy dành thời gian để suy nghĩ và cảm nhận thay vì phản ứng ngay lập tức. Đôi khi, thời gian sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ.
Lời kết
Mọi thứ trong cuộc sống đều thay đổi, và tin nhắn chỉ là một phần nhỏ trong dòng chảy ấy. Đừng để nó làm chủ tâm trí bạn. Hãy tập trung vào những gì quan trọng, sống cho hiện tại và tìm sự bình an từ chính bên trong mình.
– Hãy trân trọng những cuộc trò chuyện trực tiếp: Gặp gỡ và trò chuyện mặt đối mặt sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý định và cảm xúc của người khác.
– Hãy viết nhật ký: Viết xuống cảm xúc của mình không chỉ giúp bạn giải tỏa mà còn giúp nhìn nhận lại sự việc một cách khách quan.
– Nếu cảm thấy quá áp lực, đừng ngại chia sẻ với người thân hoặc một người bạn đáng tin cậy, những bức xúc trong lòng sẽ dịu đi khi bạn có một người để chút bầu tâm sự.
Hãy Sống Đơn Giản
Natalia Huyền Nguyễn