Last updated on Tháng chín 3, 2021
Hôm nay chúng ta nói về chủ đề mua sắm. Cũng sắp Black Friday rồi, không ít bạn háo hức đặt hàng hoặc chuẩn bị vi vu các shop tại trung tâm mua sắm gom đồ hạ giá về. Sắp Noel rồi mà, có quá nhiều thứ phải mua để tặng cho gia đình và người thân. Nhân tiện đây mình muốn kể cho các bạn hành trình của một người đã từng là con nghiện mua sắm và mình đã có cách khắc phục cơn nghiện mua sắm ra sao nhé!
Khoảng hai năm trước mình từng là người theo chủ nghĩa tiêu dùng. Luôn cập nhập thông tin mua sắm online và thường xuyên lượn shop mua hàng giảm giá. Nhiều khi đi mua sắm không lên kế hoạch trước, chỉ đơn thuần là lượn qua lượn lại, ngắm nghía giết thời gian. Cuối cùng ôm về một đống đồ không cần thiết, chủ yếu tích lũy cho chật tủ. Mình mua, vì nghĩ quần áo khiến mình tự tin hơn. Khiến mình bớt quê mùa và để bắt kịp xu hướng thời trang, mình phải ra sức mua thật nhiều. Có đợt văn phòng mình nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Thay vào đi ăn trưa hay nghỉ giải lao, mình vội nhào vào khu mua sắm , đốt hết tiền vào đống quần áo mà có khi cả năm cũng chẳng mặc đến.
Phòng mình trước kia khá rộng, tủ cao hơn 2 mét nằm dài sát tường, vậy mà quần áo đồ đạc chất đống ngổn ngang. Sợ nhất mỗi khi giặt quần áo xong không biết vứt đâu, bởi mình cảm thấy choáng váng trước cảnh chồng chất của áo quần, giày dép, túi xách và tỷ thứ linh tinh khác. Ngoài quần áo ra, mình còn thường xuyên thích lang thang ở những tiệm bán đồ lặt vặt. Khi thì mua cây bút, hôm thì mua cuốn sổ tay, hôm khác lại là một bức tượng hay tranh ảnh chẳng liên quan đến nhau.
Mua vì dễ thương, mua vì rẻ hoặc đơn thuần là mùa vì nhỡ đâu mái mốt cần đến. Rồi cứ thế mình biến bản thân thành nô lệ của mua sắm. Thực ra học kinh tế ai cũng biết, chỉ có mua sắm mới thúc đẩy sản xuất.
Tăng trưởng kinh tế đồng hành với đẩy mạnh sản xuất- tiêu dùng. Chủ nghĩa tiêu dùng cho rằng nếu bạn không mua sắm thĩ xã hội không thể phát triển được. Sự tăng trưởng của GDP mang lại sức mạnh và niềm tin cho thị trường, thứ hút vốn đầu tư nước ngoài. Sống trong một xã hội như vậy, chẳng trách mình hay đa số người đều theo vòng xoáy của người tiêu thụ. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho kinh tế xã hội. Việc đầu tiên nên làm là bắt đầu thay đổi cách mua dùng từ chính bản thân.
Mình đọc rất nhiều thông tin về chủ nghĩa tối giản vào khoảng 2017, nhưng để bắt đầu thực hiện lối sống giảm chi tiêu mua dùng này là một hành trình dài. Mình không dám vỗ ngực tự khen đang là người sống tối giản hay đơn giản. Có chăng chỉ là đang áp dụng một vài cách để tìm lại thăng bằng cho chính mình và đơn giản hóa cuộc sống.
Thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào máu thịt bao nhiêu năm, không phải chuyện ngày một, ngày hai. Nó là một quá trình gian nan, kiên trì để thuyết phục bản thân hướng về lối sống ít chú trọng vào vật chất. Cũng giống như đứa trẻ từng bước một tập đi, tập nói hay tập viết.
Sau đây là một vài cách mình áp dụng để giảm bớt mua sắm, muốn chia sẻ với các bạn:
- 1 in 1 out: tức là mua một món đồ mới phải loại bỏ một món đồ khác mà bạn đang sở hữu. Đây cứ như là một bài toán khó cho mình, mỗi khi muốn mua đồ phải tính toán trước, xem mình có thể bỏ hoặc cho đi thứ mình đang có.
- Mua hàng online “ảo”: cứ đặt mua như bình thường cho sướng mắt, rồi chọn đồ và ấn nút cho vào giỏ. Nhưng…hãy đóng lại màn hình ngay trước khi chuẩn bị thành toán. 1-2 ngày sau hãy mở ra, nếu bạn thực sự cần thì tức là bạn nên mua. Mình nhiều khi còn để trong giỏ cả tuần. Xoá đi rồi lại cho vào giỏ đồ mấy lần, cuối cùng là không mua gì.
- Mua đồ vintage/second hand: mua đồ cũ chẳng có gì xấu, miễn không ảnh hưởng đến môi trường hay pháp luật. Nhưng mua đồ kiểu này cũng như con dao hai lưỡi. Nhiều khi tưởng tiết kiệm được, giảm tiêu thụ hàng mới nhưng hóa ra lại nhân đôi số lượng hàng second hand. Các bạn hãy biết chừng mực, mua đồ cũ, nhưng chỉ mua đồ mình cần chứ không phải mua đồ mình muốn!
- Xoá các apps hay chặn thông báo mua sắm, block triệt để spam hòm thư email để bản thân không bị lay động trước những tin đại loại Hot Sales, Black Friday vv…Có đợt mình nghiện tải xuống rất nhiều apps mua sắm, thời gian rảnh là tranh thủ ngồi săn hàng giảm giá.
- Đừng mua luôn khi vào cửa hàng: Nếu vào cửa hàng thì nhớ đừng dại thích món đồ nào là mua luôn. Hãy hít thở thật sâu, suy nghĩ kỹ lại xem ta có thật sự cần, chạy qua cửa hàng khác và cân nhắc lại vài lần trước khi quẹt thẻ. Áp dụng quy tắc 5 câu hỏi trước khi mua.
Một lời kết cho các bạn đó là thời gian rảnh nên tích cực cho việc vận động hoặc tham gia các hoạt động mình yêu thích. Nên tránh xa những trung tâm mua sắm hoặc ngồi lì ở nhà ôm điện thoại đặt hàng online.
Feauture Image Courtesy