All Rights Reserved by Natalia Huyền Nguyễn Press "Enter" to skip to content

Bí kíp nói trôi chảy nhiều ngoại ngữ

Last updated on Tháng bảy 14, 2024

Hôm nay mình sẽ chia sẻ bí kíp để nói trôi chảy nhiều ngoại ngữ và giữ vững trình độ lâu dài, dựa trên chính kinh nghiệm của bản thân mình. Mình sinh ra tại Việt Nam, học chưa hết cấp 1 thì theo bố mẹ qua Ba Lan sinh sống.

Nói nhiều thứ tiếng trôi chảy có khó ? 

Tại nơi đây, mình được tiếp xúc với hai nền văn hóa song song. Ban đầu rất bỡ ngỡ và luôn cảm thấy nản lòng trong việc học tiếng, bởi vì tiếng Ba Lan rất khác với tiếng Việt.  Mình đã được học qua nhiều tiếng như Pháp , Anh Đức, Nga.. Trung Quốc hay còn  thử nghiệm với Hàn Quốc thì mình thấy tiếng Ba Lan có ngữ pháp là phức tạp nhất. Cho tới bây giờ mình vẫn còn hay nhầm lẫn ngữ pháp tiếng Ba Lan mà mình đã được học tập trau dồi suốt bao năm qua.

Theo bản thân mình thấy tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ có thể nói là thân thiện và dễ học nhất, không quá lắt léo cầu kỳ trong ngữ pháp như tiếng Ba Lan, phát âm không khó kiểu như tiếng Việt hay tiếng Trung, không phải uốn éo lưỡi để luyện nói như tiếng Pháp, hay nghe như chuẩn bị ra lệnh như tiếng Đức…

Sau bao nhiêu năm kinh nghiệm học hỏi nhiều thứ tiếng, làm việc và học tập tại châu Âu và có đi du lịch trải nghiệm qua hơn 44 nước, học trao đổi tại Pháp, Hàn Quốc, làm việc tại Thuỵ Điển và giờ đây định cư tại Ba Lan, làm việc trong môi trường đa quốc gia. Có cơ hội tiếp xúc làm việc thường xuyên với nhiều người đến từ nhiều nước khác nhau, mình không chỉ học được cách giao tiếp mà còn được nếm trải những văn hóa, phong tục tập quán khác biệt. Mỗi nước có một niềm tự hào riêng, mỗi tiếng có một âm điệu, có cái hay cái dở riêng rất đặc trưng. Sự đa dạng đó tạo nên một nền văn hóa phong phú trên thế giới, khiến những người ham học hỏi như mình sẽ có cơ hội học và phát triển không ngừng. Học không ngừng nghỉ là cách mình nhìn về phía trước, để trở thành một người giỏi hơn mỗi ngày, cho dù là 1%.

Sau đây là những suy nghĩ và cách thức học tiếng cũng như những khó khăn mình gặp phải khi học ngoại ngữ, mình sẽ chia sẻ với các bạn. 

1. Tận dụng tối đa môi trường đa ngôn ngữ:

  • Học tập và làm việc trong môi trường quốc tế: Giống như mình, việc học tập và làm việc ở nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đã giúp mình cải thiện đáng kể khả năng ngoại ngữ. Nếu bạn chưa có cơ hội thì có thể tham gia làm tình nguyện viên của các event quốc tế được tổ chức tại nơi bạn ở hay làm việc, tham gia các khóa đào tạo online/ offline miễn phí cũng như trả tiền. Đó là một khoản đầu tư để giúp bạn nâng cao trình độ ngoại ngữ, và tạo cơ hội mở ra các cánh cửa mới.  
  • Tìm bạn bè, đồng nghiệp nói tiếng nước ngoài: Đừng ngại giao tiếp với người nước ngoài, tham gia các nhóm học ngoại ngữ để thực hành và học hỏi lẫn nhau. Tham gia các nhóm trên mạng xã hội, nếu bạn cảm thấy ngần ngại có thể bắt đầu bằng việc viết ra những suy nghĩ, chia sẻ comment, sau đó dần dần chuyển sang nói chuyện trực tiếp. 
  • Tận dụng cơ hội trao đổi ngôn ngữ: Các chương trình trao đổi sinh viên, tình nguyện viên quốc tế là cơ hội tuyệt vời để bạn hòa mình vào môi trường mới và cải thiện kỹ năng ngôn ngữ. Các buổi họp mặt event, sự kiện, ca nhạc, hội thảo phim/sách…. tất cả những gì mà bạn yêu thích hoặc gần gũi với môn học , khoá học , công việc bạn yêu thích hãy cố gắng tìm hiểu và tham gia bằng ngôn ngữ mà bạn đang học. Mình đã bắt đầu bằng các buổi học trên mạng, sau đó là họp mặt offline tại quán cà phê cùng nhóm nói tiếng Anh, Pháp…. sau đó bước tiếp theo là đi làm tình nguyện viên , tham gia trao đổi học ở các trường trong nước lẫn nước ngoài. Mình tìm mọi cách để tạo cho mình cơ hội tiếp xúc với ngôn ngữ nhiều nhất có thể. 

2. Học ngoại ngữ qua trải nghiệm thực tế:

  • Xem phim, nghe nhạc không có phụ đề/lồng tiếng: Bí kíp này đã được chứng minh hiệu quả ở các nước Bắc Âu. Bắt đầu bằng phụ đề tiếng Anh, sau đó chuyển sang không phụ đề để thử thách bản thân. Mình đã có thời gian sống ở Thuỵ Điển, mình rất ngạc nhiên về trình độ tiếng Anh của họ. Những người làm công việc như dọn dẹp hay lái xe buýt ,soát vé ai cũng tỏ ra là người nói tiếng Anh khá giỏi, không có rào cản về ngôn ngữ, như khi mình sang Pháp thì ở đây mọi người đều né tránh sử dụng tiếng Anh. Chẳng hạn như xem phim ở Pháp thì tất cả các trương trình trên TV đều có lồng tiếng, ở Ba Lan thì có một người thuyết minh  ( nghe nhiều lúc cực kỳ khó chịu ), còn ở Bắc Âu họ chỉ có phụ đề. Chính vì lý do đó họ sẽ tập trung vào tiếng Anh của người bản xứ để nâng trình độ nghe nhiều hơn, cách đó là một trong những cách cải tiến tiếng Anh ( ngoại ngữ nói chung) rất nhanh và hiệu quả. 
  • Đọc sách, báo, truyện tranh bằng tiếng nước ngoài: Chọn những chủ đề mình yêu thích để việc đọc trở nên thú vị và không nhàm chán. Đừng cố nhồi nhét những cuốn sách khoa học hay sách văn học siêu cao, sẽ khiến bạn bỏ cuộc ngay lập tức. Mình thường đọc những sách báo ( có thể là dạng điện tử hoặc như blog)  yêu thích, về chủ đề mình quan tâm, chứ có đợt mua sách văn học Anh hoặc Pháp về đọc không trôi và mình liền vứt nó vào một xó ngay lập tức. 
  • Du lịch bụi, homestay, couchsurfing: Đây là cách tuyệt vời để trải nghiệm văn hóa bản địa và giao tiếp với người bản xứ. Thay vào đặt phòng khách sạn qua trang như booking.com hoặc các chuỗi khách sạn khác, hãy thử tìm cách giao lưu với người bản xứ và kết nối với họ. Đây không phải là làm bạn với bất cứ ai, chỉ đơn giản nhiều khi những homestay hay đi bụi lại là cơ hội trải nghiệm đặc sắc, có một không hai. Mình nhớ đợt đặt phòng ở bên Hy Lạp, sáng nào ông chủ cũng hỏi tụi mình muốn ăn gì, và phóng xe máy ( như ở Việt Nam) đi mua đồ chuẩn bị bữa sáng cho nhà mình. Hay nửa đêm canh 3 tụi mình còn nhờ ông chủ nhà ở trên một đảo Isquia xa trung tâm Napoli tại Ý,  bắt taxi và giúp bọn mình lên phà sang bên kia bờ biển. Ông chủ cũng chẳng gần ngại giúp, vì trước đó trong ngày bọn mình đã kịp bắt chuyện xã giao. Còn đợt ở bên Ấn Độ làm tình nguyện viên, ở căn nhà trọ với mười mấy đứa con gái, mình nghĩ mọi việc ăn uống tụi mình sẽ phải lo hết, vì đây không phải dạng nhà nghỉ hay khách sạn có phục vụ. Thế nhưng sáng nào cũng có một em/cô đến dọn dẹp quét nhà, làm bữa sáng là bánh mì Naan ngay tại nhà cho tụi mình.  Có thể những bữa ăn dân giã, không có sơn hào hải vị, người phục vụ tận nơi như một vài khách sạn 4 hay 5 sao mình đã từng đi cùng gia đình hay nhân dịp công tác cùng công ty, thế nhưng đó là những trải nghiệm mình sẽ ghi nhớ trong lòng rất lâu, để sau này có dịp kể lại hoặc viết blog như bây giờ. Something unique that seems to be unforgettable. 
  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa: Các câu lạc bộ tiếng Anh, hội thảo, workshop là nơi bạn có thể gặp gỡ những người có cùng đam mê và trao đổi kiến thức. Có thể là hội thảo về ngành nghề, sở thích hay biện luận dạng như Toastmaster hoặc đơn giản là nghe ai đó kể về trải nghiệm du lịch.

women in tech summit 2024 Warsaw

women in tech summit 2024 Warsaw

women in tech summit 2024 Warsaw

3. Học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi:

  • Thay đổi ngôn ngữ trên điện thoại, máy tính: Điều này giúp bạn làm quen với từ vựng và giao diện tiếng nước ngoài.
  • Dán nhãn đồ vật trong nhà bằng tiếng nước ngoài: Đây là cách học từ vựng hiệu quả và thú vị.
  • Tự nói chuyện với bản thân bằng tiếng nước ngoài: Đừng ngại tự tạo ra những tình huống giao tiếp để luyện tập. Mình đã bị bắt gặp lẩm bẩm từ trong nhà, hay ra tới ngoài đường. Không sao, nói chuyện một mình là điều rất “tự nhiên” :).  Trước mỗi một bài thuyết trình mình còn ghi âm audio, video, đứng trước gương tập diễn rất rất nhiều lần. Mình nghĩ tập dượt trước sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều. 

4. Đầu tư thời gian và công sức:

  • Học mỗi ngày, dù chỉ 15 phút: Quan trọng là duy trì thói quen học tập đều đặn. Có thể là mang theo bên mình một cuốn sách, ebook, nghe audiobook, podcast, xem thời sự, đọc tin tức giải trí, nghe nhạc, radio….. Podcast hay audio thì có thể nghe khi bạn lái xe, đi máy bay, chờ một ai đó, chờ đón con, đi tàu hoả, phương tiện công cộng… 
  • Đặt mục tiêu cụ thể và theo dõi tiến trình: Điều này giúp bạn có động lực và không bỏ cuộc giữa chừng. Chẳng hạn như trong năm nay tôi phải đạt trình độ B1 của tiếng Pháp.
  • Tìm phương pháp học phù hợp với bản thân: Có thể là học qua ứng dụng, sách vở, khóa học online hay trung tâm ngoại ngữ. Ứng dụng như Busuu, Duolingo, Italki…

Đây là chỉ số trình độ tiếng Anh trên thế giới

English Proficiency Index

*Trong năm 2023 Ba Lan đứng thứ 13 Trình độ cao – Việt Nam đứng thứ 58 trình độ khá cao ( Việt Nam có tiến bộ vượt bậc từ năm 2014 từ nói kém đến trình độ khá cao, trong khi đó Ba Lan lại bị tụt xuống từ hạng thứ 6 xuống 13.)

Lưu ý: Chỉ số EF EPI (English Proficiency Index) đánh giá trình độ tiếng Anh của người không nói tiếng Anh bản xứ ở các quốc gia trên thế giới.

English Index proficiency by EF

 

Ngoài những bí kíp mình đã chia sẻ, để học ngoại ngữ hiệu quả và ghi nhớ lâu dài, bạn cần lưu ý những điều sau:

a. Tâm lý và thái độ:

  • Yêu thích và đam mê: Hãy tìm niềm vui trong việc học ngoại ngữ, khám phá văn hóa mới. Đam mê sẽ là động lực mạnh mẽ giúp bạn vượt qua khó khăn. Mình rất yêu thích văn hoá, nghệ thuật của nước Pháp nên mình đã học tiếng Pháp, đối với mình là một ngôn ngữ rất đẹp. Trước khi học tiếng Trung mình rất ghét nghe xì xồ, các âm ngữ khó nhằn, thứ tiếng mà cả hơn tỷ người dùng trên thế giới. Đến nỗi mỗi khi xem phim tiếng Trung, mình toàn vặn nhỏ volume để khỏi phải nghe  lời thoại của các diễn viên. Khoảng gần 10  năm trước mình bắt đầu tìm hiểu để học tiếng Trung vì ở Ba Lan tiếng này dần trở nên thịnh hành hơn. Tại châu Âu, đa số ngoại ngữ tụi mình được học là những ngôn ngữ phổ biến trong khối liên minh châu Âu, ít khi có ai học tiếng châu Á. Tiếng Nhật chính ra vẫn được ưa chuộng hơn tiếng Trung, cho đến khi nền kinh tế bùng nổ, Trung Quốc là một trong những nước phát triển nhanh bậc nhất, mọi người lại đổ xô đi học, trong đó có mình. Từ lúc học cho đến nay mình tự dưng quay ngoắt 180 độ, trở thành người cảm mến tiếng Trung kinh khủng, giờ nghe phim hay nhạc là cứ lẩm bẩm theo. Xem các phim thịnh hành của Trung Quốc cứ gọi là bật volume hết cỡ, cố gắng nghe và nói theo. Giờ tiếng Trung nghe du dương như một bản nhạc êm dịu, chứ không còn như lúc ban đầu, kiểu nghe như đấm vào tai :p. Tất cả đó là niềm đam mê và yêu thích, sẽ tự dẫn dắt chỉ đường cho bạn, một khi đã thích!
  • Kiên trì và nhẫn nại: Học ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội. Đừng nản lòng trước những sai lầm, hãy coi đó là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Học và học suốt cả đời. Cho dù bạn bỏ 1 tháng hay 1 năm thì mọi cố gắng của bạn có lẽ sẽ xuống sông xuống biển, ngôn ngữ lài phải áp dụng và thực hành mọi lúc mọi nơi. Chểnh mảng một chút là bạn sẽ hối tiếc và trì hoãn vì không biết làm cách nào có thể quay lại. 
  • Tự tin: Đừng ngại giao tiếp, dù bạn chưa nói hoàn hảo. Sai lầm là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là bạn dám nói và sửa sai. Mình biết nói thì dễ làm thì khó, nhưng nếu không giao tiếp ngôn ngữ đó sẽ mãi là ngôn ngữ kém tính chủ động để có năng lực cho bạn phát huy nói trôi chảy hơn. 
  • Đừng sợ mắc lỗi: Sai lầm là một phần tất yếu của quá trình học. Quan trọng là bạn học từ những sai lầm đó và tiếp tục tiến bộ. Mình thường nói sai và có những người sẻ sửa sai giúp mình, có người sẽ thấy mắc cười, hoặc cũng có thể mất kiên nhẫn khi nghe bạn nói không rõ ràng, mạch lạc…không sao ai trong chúng ta cũng trải qua giai đoạn như vậy khi đang học một ngôn ngữ khó nhằn. 

b. Phương pháp học:

  • Lựa chọn phương pháp phù hợp: Mỗi người có một cách học khác nhau. Hãy thử nghiệm nhiều phương pháp để tìm ra cách học hiệu quả nhất với mình. Đừng rập theo khuôn mẫu, bạn sẽ nản lòng rất nhanh. 
  • Học từ vựng theo ngữ cảnh: Đừng chỉ học từ vựng đơn lẻ, hãy học từ vựng trong câu, đoạn văn để hiểu rõ nghĩa và cách sử dụng. Hãy học một câu sau đó tìm cách sử dụng nó như nghe, đọc , nói ghép từ đó vào. 
  • Luyện tập 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết đều quan trọng như nhau. Hãy luyện tập đều đặn cả 4 kỹ năng để phát triển toàn diện.
  • Sử dụng công nghệ: Các ứng dụng học ngoại ngữ, từ điển online, trang web học tiếng là những công cụ hữu ích hỗ trợ bạn trong quá trình học.

c. Duy trì và phát triển:

  • Sử dụng ngoại ngữ thường xuyên: Đừng để kiến thức bị mai một. Hãy tìm mọi cơ hội để sử dụng ngoại ngữ, dù là nói chuyện với bạn bè, xem phim, đọc sách hay viết nhật ký, bình luận trên mạng hay có thể là học lại cùng con bạn từ những bước cơ bản, nếu bạn chẳng may quên. 
  • Học thêm từ mới mỗi ngày: Đừng bao giờ ngừng học hỏi. Hãy đặt mục tiêu học một số từ mới mỗi ngày để mở rộng vốn từ vựng.
  • Thử thách bản thân: Đừng ngại thử sức với những bài đọc, bài nghe khó hơn trình độ của mình. Điều này giúp bạn phát triển và vượt qua giới hạn bản thân. Bạn có thể tải về chương trình đọc các bài báo cho bạn ,sẽ có phần “play” và bạn chỉ cần bật lên nghe thay vào ngồi đọc. Google Translate, chat GPT tất cả các ứng dụng AI đều rất thông minh, là một công cụ hữu hiệu cho bạn học tiếng. Bạn có thể tập chat, nói chuyện với Chat GPT, Gemini như là một người thầy, người bạn bất cứ một chủ đề nào.  

d. Bí quyết ghi nhớ lâu dài:

  • Ôn tập thường xuyên: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hãy ôn lại những kiến thức đã học để củng cố trí nhớ. Có những từ vựng hay ngữ pháp đã trôi vào lãng quên, bạn học từ hồi còn ở trên ghế nhà trường, bạn có thể ôn lại nếu cần hoặc trau dồi kiến thức, lấp vào những lỗ hổng kiến thức. Có những thứ trước kia mình học thường trong vô thức, kiểu học vẹt, học chỉ để thi lấy điểm. Cho đến khi mình cho bản thân, và tự tìm ra nguyên nhân tại sao lại dùng từ như thế này như thế kia trong những trường hợp nào. Nếu bạn tự tìm hiểu bạn sẽ thấy mọi thứ dễ hơn là do người khác bắt bạn học. 
  • Sử dụng phương pháp ghi nhớ hiệu quả: Có thể là flashcard, sơ đồ tư duy, phương pháp lặp lại ngắt quãng, mapping, viết ra nhiều lần hoặc ghép từ cũng giúp bạn nhớ lâu hơn. 
  • Kết nối kiến thức mới với kiến thức cũ: Điều này giúp bạn hiểu sâu hơn và ghi nhớ lâu hơn.
  • Tạo cảm xúc tích cực với ngôn ngữ: Học ngoại ngữ qua những câu chuyện, bài hát, bộ phim, audiobook, viết nhật ký, blog, podcast, story telling,  TEDx…. mình yêu thích sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.
  • Tìm hiểu về văn hóa: Học ngoại ngữ không chỉ là học từ vựng và ngữ pháp. Hãy tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, các món ăn truyền thống, phim ảnh, thời trang… phong tục tập quán của quốc gia sử dụng ngôn ngữ đó để hiểu sâu hơn về ngôn ngữ và con người.

Những điều khó khăn mình gặp khi biết nhiều ngôn ngữ

Tuy nhiên, việc học nhiều ngôn ngữ cũng mang đến những khó khăn nhất định. Mình thường xuyên nhầm lẫn các ngôn ngữ có nguồn gốc giống nhau như tiếng Anh – Pháp (Latin), Ba Lan – Nga, Ukraine hay các tiếng từ gốc của người Slavic

Ví dụ, từ “mleko” trong tiếng Ba Lan và “молоко” (moloko) trong tiếng Nga đều có nghĩa là “sữa”, nhưng khi giao tiếp, mình đôi khi lại dùng nhầm từ này sang ngôn ngữ kia. 

Nhất là các từ tiếng Pháp – Anh viết rất giống nhau, nhưng khi đọc lại hoàn toàn khác. 

Hay từ “pain” (bánh mì) trong tiếng Pháp phát âm là /pɛ̃/, trong khi từ “pain” (đau đớn) trong tiếng Anh phát âm là /peɪn/…. 

Có thể đây là một điều tốt vì mình nhìn cái hiểu ngay, nhưng lại hay nhầm lẫn mỗi khi dùng các từ vựng khá giống nhau trong mỗi ngôn ngữ. Bạn sẽ nghĩ lâu hơn, hoặc hay quên một từ của ngôn ngữ này trong giây lát, và phải nói đệm vào bằng ngôn ngữ khác, vì bất chợt bạn không nhớ ra.

Để khắc phục tình trạng này, mỗi khi chuẩn bị đi họp, sự kiện hay tiếp xúc với hội người bản xứ hoặc nói ngôn ngữ nhất định, mình phải chuẩn bị đọc, nghe trước ở nhà để cho bộ não có thể tải thông tin, cập nhật nhanh hơn trước khi mình đi gặp người Ba Lan, Việt hay người nước ngoài khác. Nếu không có sự chuẩn bị trước, mình hay bị xáo trộn ngôn ngữ và quên mất từ mỗi khi giao tiếp. Người học nhiều tiếng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn khi phải liên tục trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin đọc, nghe, nói liên tục mọi thứ tiếng mà họ biết, nếu không thứ tiếng không được sử dụng thường xuyên sẽ bị chôn vùi vào quên lãng, bộ não của bạn sẽ ưu tiên ngôn ngữ được giao tiếp nhiều hơn.

Học không ngừng nghỉ là cách mình nhìn về phía trước, để trở thành một người giỏi hơn mỗi ngày, cho dù chỉ là 1%.

Lời khuyên thêm:

  • Đừng so sánh bản thân với người khác: Mỗi người có tốc độ học và khả năng tiếp thu khác nhau. Hãy tập trung vào bản thân và cố gắng hết mình.
  • Tận hưởng quá trình học: Học ngoại ngữ không chỉ là một mục tiêu mà còn là một cuộc hành trình thú vị. Hãy tận hưởng quá trình khám phá ngôn ngữ và văn hóa mới.

Chúc bạn thành công trên con đường chinh phục ngoại ngữ và hãy chia sẻ với mình, cũng như người theo dõi 2livesimple, bí kíp học ngoại ngữ và những khó khăn cản trở bạn khi học tiếng nước ngoài nhé !

Please follow and like
    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    2livesimple Official @ Copyrights 2019-2024