Last updated on Tháng chín 21, 2024
Làm Thế Nào Để Biến Mọi Khó Khăn Thành Động Lực Vươn Lên?
Đôi khi, chỉ cần một suy nghĩ truyền cảm hứng cũng có thể thay đổi cuộc đời chúng ta. Hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một vài bài học quý giá và những thay đổi nhỏ trong tư duy đã giúp mình rất nhiều từ khi lần đầu tiên học được chúng. Hy vọng chúng cũng sẽ mang lại giá trị cho bạn. Hãy chuẩn bị một ly nước, thư giãn, và cùng mình bắt đầu nhé!
1. Chưa Làm Được , Không có nghĩa là Không Làm Được
Mình nhớ trước kia mình rất khâm phục những người chạy Marathon nói chúng là chạy đường dài. Mình cứ nghĩ hoài trong đầu họ phải có một sức khoẻ bền bỉ lắm mới chạy được từng ấy cây số. Sau đó mình đã quyết định đăng ký tham gia bán marathon với thời gian chuẩn bị vỏn vẹn 1 tháng, bất chấp là lần chạy cuối cùng của mình rơi vào khoảng cách đây hơn 3 năm với cự ly là 10km. Từng tham gia chạy một vài lần ở cự ly gần 5-10km chưa bao giờ nghĩ mình có thể hoàn thành một cuộc đua dài hơn thế. Những ngày đầu luyện tập, mình chỉ có thể chạy khoảng 8-10 km rồi đuối sức. Mỗi lần như vậy, mình lại tự nói “Mình không làm được.” Nhưng sau đó, đã thay đổi suy nghĩ, từ “Không làm được” thành “Chưa làm được.” Với sự kiên trì, từng bước nhỏ một, mình đã hoàn thành được cự ly bán marathon 21.9km đầu tiên của mình. Điều mình muốn truyền đạt qua câu chuyện này đó là cho thấy sức mạnh của tư duy phát triển growth mindset : không có gì là không thể, chỉ là chưa thể thôi. Thời gian và nỗ lực sẽ biến điều không thể thành có thể. Hãy đọc thêm về bài viết chuẩn bị cho cuộc chạy bán marathon ở tuổi 38.
2. Hiệu Ứng Ánh Đèn Sân Khấu
Một câu chuyện khác đó là mình rất ngại phát biểu trước đám đông. Mình luôn lo lắng rằng mọi người sẽ để ý và đánh giá mình hay là việc mình thay đổi cuộc sống từ người nghiện mua sắm sang người có lối sống xanh hơn. Một lần nữa mình bị sợ mang ra so bì về cách ăn mặc hay giá trị đồ vật mình sở hữu. Dần dà mình mới biết rằng nỗi lo này có tên gọi là “hiệu ứng ánh đèn sân khấu”The Spotlight Effect – khi ta cảm giác như mọi ánh mắt đều đổ dồn vào mình, nhưng thực tế mọi người đều bận tâm với cuộc sống riêng. Một người bạn từng nói với mình rằng: “Chẳng ai quan tâm đến bạn nhiều như bạn tưởng.” Câu nói đó đã giúp mình cảm thấy tự do và thoải mái hơn, để mình có thể là chính mình mà không sợ ánh mắt phán xét của người khác. Tất nhiên điều này không đến trong một vài ngày, cần sự tôi luyện và mẫn cảm với những nhận xét bên ngoài.
3. Tư duy thay đổi từ loại trừ sang thêm vào
Chúng ta thường muốn thay đổi cách ăn uống bằng cách loại bỏ những thứ không tốt như đồ ngọt hay đồ ăn vặt. Nhưng thay vì tập trung vào việc loại trừ, mình học cách thay đổi bằng cách thêm vào những món tốt hơn. Thay vì nói “Mình sẽ ngừng uống trà sữa,” mình chuyển sang “Mình sẽ ăn nhiều trái cây hay rau xanh hơn.” Tư duy thay đổi từ loại trừ sang thêm vào đã giúp mình cảm thấy việc ăn uống trở nên dễ chịu và cân bằng hơn, không còn cảm giác tội lỗi mỗi khi thưởng thức một món yêu thích.
4. Thay đổi là chuyện bình thường
Có một thời gian mình cảm thấy bế tắc với sự nghiệp và bị kiệt sức , mình có làm video về đề tài này. Mình đã ngừng công việc mình đang làm và cảm giác như mình đang lãng phí thời gian, rồi mình bắt đầu tìm kiếm và theo đuổi đam mê. Sau mình nhận ra rằng việc thay đổi không phải là thất bại, mà là hành trình khám phá bản thân. Một người bạn đã nói với mình: “Việc thay đổi là dấu hiệu bạn đang lắng nghe bản thân và không ngừng tiến về phía trước.” Điều quan trọng là chúng ta cần kiên nhẫn với chính mình và chấp nhận rằng hành trình của mỗi người đều khác nhau, timeline của mỗi người đều không giống nhau, bạn có thể trở thành giám đốc ở tuổi 30 mà cũng có thể trở thành một nhà văn, theo đuổi cuộc sống mà bạn mong muốn. Mình đang trong thời gian tìm lại chính mình, đó cũng là lý do mình quay trở lại với blog, video, podcast tìm hiểu và chia sẻ về sức khỏe tinh thần, sống bền vững và giản đơn hơn.
5. Cách Bạn Làm Một Việc, Làm Nên Tất Cả
Một bài học nữa mình nhận được từ một vài người thân quen: “Cách bạn làm việc nhỏ sẽ phản ánh cách bạn làm việc lớn.” Nhiều người thấy mình vội vã khi làm những việc đơn giản như dọn dẹp hay ăn uống. Mình luôn muốn làm xong nhanh để chuyển sang việc khác. Nhưng được nhắc nhở rằng, sống vội không làm cuộc sống tốt đẹp hơn, mà chỉ khiến mình luôn căng thẳng. Từ đó, mình cố gắng tập trung hơn vào từng việc mình làm, học cách trân trọng từng khoảnh khắc thay vì luôn gấp gáp và cũng đang cố gắng hiểu được ý nghĩa của chánh niệm một cách sâu sắc hơn.
6. Đặt mục tiêu vừa tầm
Nếu bạn đặt mục tiêu quá lớn mà không đạt được, điều đó có thể khiến bạn nản lòng. Một cách thay đổi là chuyển từ mục tiêu kết quả sang mục tiêu hành động. Thay vì đặt mục tiêu “Mình muốn đạt 10.000 lượt xem,” hãy chuyển sang “Mình sẽ đăng ít nhất 1 video mỗi tuần.”
Khi tập trung vào hành động thay vì kết quả, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn và kết quả tốt hơn sẽ đến tự nhiên. Bởi có những kết quả nằm ngoài dự kiến, như thuật toán của Google hay Youtube, mình chỉ tập trung vào đạt 10.000 đăng ký hay views, chẳng may không đúng như toan tính ban đầu sẽ khiến bạn nhụt chí và cảm thấy chán nản nhanh. Mình nên tập trung vào quá trình, chẳng hạn như cố gắng làm video một cách đều đặn, luôn học hỏi để có thể nâng cấp editing video, tham khảo sách, trải nghiệm nhiều hơn để có thể chia sẻ kinh nghiệm và những bài học với khán giả một cách chân thật nhất.
7. Khi bạn muốn có tất cả
Cuộc sống có rất nhiều ước mơ và mong muốn hay nguyện vọng dang dở, nhưng chúng không thể đến cùng một lúc. Mình từng có thời gian sống ở nước ngoài và rất nhớ gia đình, nhưng lại yêu cuộc sống tự do ở nơi mới. Khi mình chưa lập gia đình thì mình mong có một căn nhà ấm cúng, sau khi có rồi mình lại muốn được đi khắp nơi như trước kia, tự do tự tại.
Có người đã nói với mình: “Bạn có thể có mọi thứ mình muốn, chỉ là không phải tất cả cùng một lúc.” Điều này giúp mình nhận ra rằng mỗi giai đoạn đều có vẻ đẹp riêng, và chúng ta cần học cách trân trọng từng khoảnh khắc.
8. Đừng quá khắt khe với bản thân
Cuối cùng, cách chúng ta đối xử với bản thân rất quan trọng. Chúng ta không thể tránh xa chính mình, vì vậy hãy học cách đối xử nhẹ nhàng và tử tế với bản thân. Nếu có lúc bạn cảm thấy thất vọng, hãy thử nói về mình như nói về một người bạn – “Mình đã cố gắng hết sức rồi.” Điều này giúp giảm bớt sự tự trách móc và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với chính mình, yêu bản thân hơn. Biết quan tâm và chăm sóc bản thân tốt, có một tinh thần sảng khoái, sức khỏe bền bỉ, tiếp sau đó mới có thể quan tâm và yêu thương người khác.
Mình rất mong được lắng nghe những bài học và câu chuyện của các bạn. Hãy chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm đã giúp các bạn thay đổi, để chúng ta cùng học hỏi và phát triển nhé! Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình hôm nay, và hẹn gặp lại ở video/post/podcast tiếp theo.
Hãy Sống Đơn Giản
Natalia Huyền Nguyễn
Những bài viết tương tự:
- Nỗi sợ làm người khác thất vọng – Fear of disappointing others FODO. Podcast
- Chạy Bán Marathon Ở Tuổi 38: Hành Trình Vượt Qua Giới Hạn Của Bản Thân
- Bạn có đang “nghiện sự chắc chắn”, an phận trong vùng an toàn và trì hoãn mọi đổi mới? Podcast
- 11 Điều “Không Cần” Cho Cuộc Sống Thanh Thản
- Taekwondo và viết blog: Hai niềm đam mê, một sợi dây liên kết