Last updated on Tháng chín 29, 2020
Bất cứ khi bạn buồn hay vui, phim ảnh và âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần lấp đầy sự trống rỗng vô vị hay đơn thuần để tìm một nguồn động lực sau những ngày mệt mỏi.
Có những bộ phim tình cảm dào dạt, có những thể loại nói lên sự can đảm vượt qua bao khó khăn cũng như thử thách, cho dù mai là ngày tận thế thì nhân vật của chúng ta không bao giờ chịu bỏ cuộc.
Mình sẽ giới thiệu 5 bộ phim bao gồm nhiều đề tài khác nhau, từ tình yêu, tình đời, tình cảm gia đình thiêng liêng cho đến tình người trong mỗi cuộc sống của chúng ta.
Whiplash là một bộ phim nói lên niềm đam mê khát cháy âm nhạc giữa một chàng trai trẻ, đánh trống sôi sục nhiệt huyết và một người thầy giáo đa nhân cách: một người thầy tài giỏi, thương yêu học trò; một vị huấn luyện viên hung hãn, khắc nghiệt; một kẻ tham vọng, xảo quyệt, nham hiểm, và một người nghệ sĩ tôn thờ sự tuyệt đích trong âm nhạc.
Bộ phim cho khán giả thầy sự bùng cháy khát khao trong mỗi con người chúng ta, không có điều gì là không thể chỉ cần miệt mài chăm chỉ đổ mồ hôi rồi sẽ có ngày bạn đạt đến đích và không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc.
Phim Untouchable – Bất Khả Xâm Phạm sẽ mang tiếng cười cũng như nước mắt đến với khán giả. Bộ phim nói lên sự phân biệt giai cấp giàu nghèo, cuộc sống của hai nhân vật chính tưởng như không có một mối liên kết , bỗng dưng chạm mặt nhau tại ngã rẽ cuộc đời.
Giữa hai người đàn ông trong phim là một sự chênh lệch hoàn toàn : tánh tình, tuổi tác, màu da, địa vị, Philippe càng giàu sang, có nhiều kiến thức học vấn chừng nào, Driss càng nghèo nàn và kiến thức hạn chế chừng nấy. Nhưng tình bạn lại nảy sinh từ những tình huống ngược đời, phân biệt xã hội hay hoàn cảnh gia đình chỉ là những yếu tố bên ngoài, không ảnh hưởng gì nhiều đến nghị lực quyết đoán của một con người, muốn làm chủ bản thân. Từ Philippe, Driss học hỏi được một điều, người tàn phế không cần đến sự thương hại, nếu thật sự muốn giúp đỡ thì nên chăng tạo điều kiện và cơ hội để cho họ phát huy thực hiện ước mơ của chính họ.
Đây là một bộ phim bi hài nói lên những vẫn đề giai cấp, những định kiến xã hội mà mỗi người trong chúng ta cần học cách bao dung.
Three Billboards Outside Ebbing, Misouri – tựa đề phim tạm dịch ra tiếng Việt là “3 tấm biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing, tiểu bang Missouri của Mỹ”. Ebbing là một địa danh không có thật, nó có nghĩa là “thủy triều xuống” hay “sự suy tàn”.
Cốt truyện trong phim nói lên sự bất công, cuộc chiến tàn khốc giữa cái thiện và ác. Tâm lý các nhân vật khá phức tạp, thoạt đầu khiến cho khán giả hiểu lầm bối cảnh từng nhân vật.
Thứ nhất là người bà mẹ Mildred Hayes (Frances McDormand thủ vai) có vẻ bề ngoài thô ráp, cục mịch lại hay nóng tính này tạo nên cảm giác khó chịu cho những người xung quanh mình vì tội gây cản trở trong vụ điều tra con gái bà bị sát hại và cưỡng hiếp một cách dã man. Sau lớp vỏ thô kịch là nỗi đau, là sự phản kháng yếu ớt và cũng là cách duy nhất đòi lại công bằng của một người mẹ mất con.
Nhân vật thứ hai của chúng ta Cảnh sát trưởng Bill Willoughby (Woody Harrelson thủ vai) – đối tượng bị 3 tấm biển quảng cáo trong phim chỉ trích – thưc ra lại đang chiến đấu với căn bệnh ung thư và những trăn trở của riêng mình. Ông không phải là một người dửng dưng và ích kỷ, khoanh tay trước nỗi đau của người mẹ mất con Hayes như hiểu lầm ban đầu. Đó là một cú Twist cho tuyến nhân vật của ông, mặc dù bị công kích, ông lại không hề hận thù, trái lại, ông cảm thông trước nỗi đau mà người phụ nữ này đang chịu đựng.
Phim nói lên đề tài phức tạp nhức nhối của xã hội. Mỗi nhân vật mỗi hoàn cảnh, giống như cuộc sống muôn vẻ muôn màu của chúng ta, ai cũng có mặt tốt và cả mặt xấu tồn tại song song. Thế nhưng nếu chúng ta biết lắng nghe, để hiểu nhau hơn, học cách chấp nhận thực tại và tha thứ, thì cuộc sống sẽ mang lại những điều tích cực cho mỗi cá nhân trên con đường tìm sự thanh thản cho tâm hồn của mình.
Green Book là sự kết hợp vừa đủ giữa thể loại chính kịch và hài kịch. Bộ phim dù khai thác sâu vào khía cạnh nhân văn, định kiến xã hội và nạn phân biệt chủng tộc thời đó, có thể nói vần đề nhức nhối này, rất đáng tiếc vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay tại nước Mỹ, qua vụ việc mới xảy ra #blacklivesmatter đã loan tỏa khắp thế giới.
Trong phim nhắc đến tình huống éo le, nhưng vẫn không thiếu những khoảnh khắc hài hước được đặt đúng chỗ tại miền Nam nước Mỹ – nơi sự kỳ thị chủng tộc còn là một vấn đề gây nhức nhối. Luật này gồm những phép tắc hà khắc nhắm vào người da đen như không được ăn, ở chung hay dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Green Book- một cuốn sổ xanh phổ biến trong thời kỳ này, liệt kê các quán ăn và nhà trọ chấp nhận người da đen. Cuốn sách hướng dẫn là vật đồng hành trên chuyến đi của Don và Tony và cũng là sự kết nối không phân biết màu da, giai cấp hay địa vị giữa hai nhân vật chính.
Bộ phim cuối cùng trong danh sách những phim trạm đến trái tim lay động lòng người, nhưng lại đẫm máu trên chiến trường giữa quân đội Mỹ và Nhật.
Hacksaw Ridge dựa trên cốt truyện đời thưc Desmond Doss ( do Andrew Garfield thủ vai ), người lính đầu tiên trong lịch sử quân đội Mỹ được trao Huân chương Danh dự – phần thưởng cao quý nhất dành cho thành tích chiến đấu, dù ông từ chối sử dụng bất cứ loại vũ khí sát thương nào bởi vì đức tin vào Chúa trời.
Đối với các binh sỹ mà nói nhiệm vụ cao cả bảo vệ tổ quốc đó chính là ước muốn & khát vọng “giết được càng nhiều càng tốt” . Thế nhưng với Desmond Doss , do tôn giáo trong sáng vững bền, niềm tin vào Chúa trời đã giúp anh chuyển hóa chúng thành sức mạnh cứu người, thành khát vọng giúp các chiến binh khác khỏi lưỡi hái tử thần, dù đó là đồng đội hay kẻ thù châu Á ở phía bên kia chiến tuyến.
Thông điệp trong phim đậm chất nhân văn đã giúp bộ phim vượt ra khỏi khuôn khổ của một tác phẩm điện ảnh chiến tranh yêu nước thông thường và hoàn toàn xứng đáng để đánh dấu cho sự trở lại của đạo diễn kiêm diễn viên tai tiếng một thời, Mel Gibson.